Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng thêm 6,92%
Trả lời

Ngày 15/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2018/NĐ-CP quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 88/2018/NĐ-CP quy định điều chỉnh tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 06/2018 đối với các đối tượng sau:

  1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/03/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
  2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng;
  3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/08/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng;
  4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/06/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng;
  5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
  6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
  7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
  8. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Có thể thấy, Nghị định số 88/2018/NĐ-CP đã có những điều chỉnh tích cực, qua đó thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động phù hợp với sự thay đổi, phát triển của đất nước và đời sống xã hội.

Quy định về việc bán tài sản khi phá sản theo Quyết định của Tòa án
Trả lời

Ngày 12/6/2018, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2018.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc bán tài sản khi phá sản theo Quyết định của Tòa án như sau:

  1. Việc bán tài sản trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự, Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP;
  2. Bán tài sản trong trường hợp Quản trị viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 124 Luật Phá sản.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định, trong trường hợp quyết định của Tòa án giải quyết phá sản có điểm chưa rõ, khó thi hành, không xác định được nội dung cụ thể thì cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị Tòa án đã ra quyết định giải quyết phá sản xem xét, giải thích theo quy định tại Khoản 2 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự.

Có thể thấy, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án dễ dàng hơn trong việc giải quyết tài sản theo quyết định giải quyết phá sản của tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm giải quyết được vấn đề tài sản sau khi hoàn thành các thủ tục phá sản

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trả lời

Ngày 15/06/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trình Chính phủ trong tháng 12/2018. Đồng thời, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, Thủ tướng giao các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như xây dựng Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp này để cung cấp, công bố thông tin hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc; bố trí nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các Đề án hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đẩy mạnh việc hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, chủ trì trình HĐND cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện các văn bản pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Có thể thấy, bằng những chỉ đạo kịp thời và rõ ràng, Chỉ thị số 15/CT-TTg được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.

Việt Nam nỗ lực gấp đôi cải thiện môi trường kinh doanh
Trả lời

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MoPI), môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong ba năm qua nhờ vào một loạt các giải pháp.

Nỗ lực của Việt Nam đã được phản ánh qua kết quả xếp hạng doanh nghiệp do Ngân hàng thế giới tiến hành trong năm 2016, theo đó Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 82 từ vị trí thứ 91 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên nước ta có bước tiến lớn trong bảng xếp hạng kể từ năm 2008.

Việt Nam cũng đạt vị trí thứ 47 trên tổng số 127 nền kinh tế được khảo sát trong báo cáo chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017, xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, tăng 12 bậc so với báo cáo năm ngoái, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017-2018 phát hành vào tháng 9 cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 55, tăng 5 bậc so với năm 2016.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh vẫn ở mức thấp, phản ánh Việt Nam đang thiếu một hệ thống quản lý dựa trên đánh giá rủi ro.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát các quy định về điều kiện kinh doanh chưa thực sự hiệu quả, dẫn tới các thủ tục hành chính còn rườm rà, số lượng giấy phép và điều kiện kinh doanh còn mang tính rào cản.

Do đó, Bộ đã đề xuất bãi bỏ khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh không hợp lý, không hiệu quả và thực hiện cải cách quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở nguyên tắc và thực tiễn do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề ra.

Bộ đã đề xuất Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và cấp tỉnh giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 19 về nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh quốc gia.

Các Bộ cần sớm xem xét và đề xuất giảm điều kiện đầu tư và kinh doanh trong khu vực quản lý nhà nước và báo cáo với Thủ tướng trước tháng 12/2017.

Đồng thời, MoPI sẽ hợp tác với Văn phòng Chính phủ và các Bộ có liên quan để tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn với các doanh nghiệp nhằm kịp thời làm rõ mối quan tâm và kiến nghị của họ.

Nguồn: VNA

Việt Nam cần cân nhắc về vị trí của các Đặc khu kinh tế được đề xuất
Trả lời

Thật khó để xác định logic của việc lựa chọn vị trí các Đặc khu kinh tế, khi tất cả các địa điểm này đều cách xa các thành phố lớn.

Việt Nam đang đề xuất thành lập ba Đặc khu kinh tế (SEZ), bao gồm Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang. Nhưng tôi không thể thấy bất kỳ mục tiêu rõ ràng hay tầm nhìn nào đằng sau những lựa chọn này.

Khi chúng ta nói về các nền kinh tế cạnh tranh, chúng ta nghĩ đến cuộc chạy đua giữa các siêu đô thị để thu hút đầu tư nước ngoài và các tổ chức đa quốc gia. Hãy thử nhìn vào Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo hay Seoul. Xương sống của sự phát triển nằm ngay trong nội dung đô thị hóa đi đôi với công nghiệp hóa. Chỉ những thành phố lớn mới tạo nên một đất nước cạnh tranh.

Rõ ràng điều này không đúng với Việt Nam. Chính phủ dường như nghĩ rằng các thành phố của chúng ta đang quá đông dân và cần phải “giảm bớt”, vì vậy, sự đầu tư nên được dành cho khu vực nông thôn. Cách tiếp cận như vậy đang đi ngược lại xu hướng phát triển.

Trong mắt tôi, Vân Đồn hiện đang là sự lựa chọn tốt nhất trong các lựa chọn. Phú Quốc có thể là một SEZ để thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, đối với Bắc Vân Phong, tôi chưa thấy bất kỳ tiềm năng nào đến từ nơi này.

Với các khoản đầu tư vào, ba khu vực này có thể mang lại một chút giá trị. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để có những kết quả mang tính đột phá, đóng vai trò then chốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho tất cả các quốc gia khác. Cần phải có những mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng khi thiết lập các SEZ. Những mục tiêu đó có thể là thúc đẩy tăng trưởng bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ chiến lược kinh tế vĩ mô; có thể là nơi để thử nghiệm các khuôn khổ và chính sách mới và một phương tiện để giảm áp lực lên tăng dân số và thất nghiệp.

Cụ thể hơn, một SEZ cần phải được đặt gần các thị trường lớn. Ví dụ, Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là một nơi tốt để thiết lập SEZ, vì vị trí của thành phố làm cho nó trở thành cửa ngõ giữa Hồng Kông và thị trường khổng lồ của Trung Quốc đại lục. Hay Khu công nghiệp Iskandar ở Johor, Malaysia đặc biệt phát triển tốt nhờ sự gần gũi với Singapore và các tuyến thương mại hàng hải quốc tế.

Đối với Việt Nam, nếu chúng ta muốn thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến các khu công nghiệp, lựa chọn hàng đầu của tôi sẽ là Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội và Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.HCM. Hai địa điểm này đáp ứng tất cả các yếu tố cần thiết để thu hút nhà đầu tư, chẳng hạn như gần với nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế và đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Ví dụ, nếu ai đó đầu tư vào Vân Đồn, họ cần hàng ngàn kỹ sư và những công nhân có tay nghề cao khác. Liệu khu vực này có thể đáp ứng nhu cầu đó đủ nhanh không? Sẽ rất khó khăn. Nhưng sẽ dễ dàng nếu đặc khu nằm gần Hà Nội, nơi có rất nhiều công nhân tài năng. Tốt nhất là hãy để Hà Nội và TP.HCM đóng vai trò là động lực thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam.

Một SEZ tốt, theo ý kiến của tôi, nên cung cấp cho các nhà đầu tư sự tự do tối đa để thử nghiệm các khuôn khổ pháp lý khác nhau, không chỉ đơn giản là cung cấp các ưu đãi thuế, đất đai và tài chính. Ví dụ, SEZ ở quận Phố Đông, Thượng Hải là một thành công lớn do các quy định lỏng lẻo. Thay vì yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký, họ chỉ phải thông báo về việc mở cửa; thay vì liệt kê các hoạt động kinh doanh hợp pháp, chỉ những hoạt động bất hợp pháp được Nhà nước liệt kê mới bị cấm.

Như vậy, các Đặc khu kinh tế của Việt Nam phải là một phần của chiến lược phát triển toàn diện, điều mà tôi không thể tìm thấy trong dự thảo luật của chính phủ. Đồng thời, người lãnh đạo trong mỗi SEZ cần được tự chủ hơn trong việc ra quyết định để không bỏ lỡ các nhà đầu tư lớn do phải chờ đợi phê duyệt từ các cơ quan cấp cao hơn.

Về chi phí xây dựng ba Đặc khu kinh tế, 44 tỷ đô la, ngân sách nhà nước sẽ chỉ có khả năng hỗ trợ một phần, phần còn lại buộc phải đến từ các nguồn khác. Trong giai đoạn đầu, tôi tin rằng ngân sách nhà nước sẽ cần phải trả cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng một khoản đầu tư lớn như vậy cần phải được phân tích chi phí – lợi ích cẩn thận. Nếu chúng ta đổ hàng triệu đô la vào đó mà không tính toán lợi tức đầu tư, tham nhũng sẽ là điều không thể tránh khỏi.

* Tiến sĩ Huỳnh Thế Du là giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam, TP.HCM.

Nguồn: e.vnexpress.net

Bản tin pháp luật số 23/2018
Trả lời

Bản tin pháp luật số 22/2018
Trả lời

Bản tin pháp luật số 21/2018
Trả lời

Kế hoạch triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi
Trả lời

Ngày 30/05/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 3009/KH-TCHQ về triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi. Kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Kế hoạch số 3009/KH-TCHQ đưa ra nguyên tắc và lộ trình triển khai hệ thống như sau:

  1. Ưu tiên triển khai trước tại những doanh nghiệp, đơn vị hải quan:

–           Có tần suất giao dịch, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn;

–           Mức độ sẵn sàng cao về hệ thống công nghệ thông tin;

–           Triển khai đồng bộ từ cảng đến các kho, bãi đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiệp vụ trong việc giám sát vận chuyển hàng hóa.

  1. Lộ trình triển khai

–           Rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định các doanh nghiệp triển khai: Hoàn thành trong tháng 6/2018;

–           Xây dựng kế hoạch triển khai: Hoàn thành trong tháng 7/2018;

–           Các nội dung khác như cử cán bộ tham gia đào tạo, tổ chức hội thảo, giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ các Chi cục, các doanh nghiệp tìm hiểu quy trình trao đổi thông tin: Được tiến hành song song trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

Thông qua việc đưa ra một lộ trình cụ thể với các biện pháp quyết liệt, Tổng cục Hải quan đã thể hiện quyết tâm của ngành trong việc triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi nhằm nâng cao tốc độ thực hiện các công tác quản lý nhà nước.

Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế
Trả lời

Ngày 22/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cụ thể như sau:

  1. Khu kinh tế, khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.
  2. Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
  3. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
  4. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án.

Bằng những quy định cụ thể và chi tiết, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó khuyến khích và thu hút đầu tư vào các khu vực này.