Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Không giới hạn số lần gửi tiền cho phạm nhân
Trả lời

Ngày 12/02/2018, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BCA quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29/03/2018.

Theo đó, Thông tư số 07/2018/TT-BCA đã đưa ra một số thay đổi nổi bật như sau:

1. Người đến thăm gặp gửi tiền mặt cho phạm nhân thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách nhiệm nhận và cùng người gửi tiền cho phạm nhân ký vào phiếu gửi tiền lưu ký và sổ theo dõi lưu ký.  Phạm nhân không được cất giữ, sử dụng tiền mặt trong cơ sở giam giữ;

2. Thân nhân của phạm nhân cũng có thể gửi tiền cho phạm nhân thông qua đường bưu điện không giới hạn số lần, cán bộ phụ trách lưu ký sẽ thông báo và ghi số tiền này vào sổ mua hàng hóa để phạm nhân ký, nhận;

3. Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, tăng năng suất lao động được chuyển vào lưu ký để phạm nhân sử dụng mua hàng hóa;

4. Phạm nhân có tiền, đồ vật gửi lưu ký khi chuyển đến cơ sở giam giữ khác, cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện việc chuyển giao số tiền, đồ vật này cho nơi tiếp nhận phạm nhân;

5. Trường hợp phạm nhân chết, phải ghi rõ vào biên bản phạm nhân chết số tiền lưu ký còn lại chưa sử dụng, đồ vật gửi lưu ký và những tài sản cá nhân khác để bàn giao cho thân nhân họ hoặc đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, Thông tư số 07/2018/TT-BCA đã nới lỏng các chế độ thăm gặp, liên lạc với phạm nhân của thân nhân (cụ thể là không còn khống chế tần suất phạm nhân được nhận tiền gửi từ người thân mỗi tháng 02 lần như các Thông tư trước đó). Những quy định này mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là động lực để phạm nhân cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình và cộng đồng.

Quy định về kế hoạch nâng cấp các ứng dụng đáp ứng Thông tư số 133/2016/TT-BTC
Trả lời

Ngày 15/03/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 845/TCT-CNTT quy định về kế hoạch nâng cấp các ứng dụng đáp ứng Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Công văn số 845/TCT-CNTT quy định cụ thể như sau:

1. Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế khai, lập và gửi báo cáo tài chính bằng phương thức điện tử, đồng thời nâng cấp ứng dụng xử lý báo cáo tài chính của Cơ quan Thuế để tiếp nhận và xử lý dữ liệu báo cáo tài chính phục vụ công tác quản lý thuế để hỗ trợ người nộp thuế và Cơ quan Thuế gửi, tiếp nhận các mẫu Báo cáo tài chính theo quy định của Thông tư số 133/2016/TT-BTC.

2. Các nội dung liên quan đến việc triển khai ứng dụng đáp ứng Thông tư số 133/TT-BTC cụ thể như sau:

– Người nộp thuế thuộc đối tượng áp dụng mẫu biểu Báo cáo tài chính theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC lập và gửi Báo cáo tài chính đến Cơ quan Thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

– Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp và triển khai ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế lập Báo cáo tài chính bằng ứng dụng Hỗ trợ kê khai thuế và gửi đến Cơ quan Thuế bằng hình thức điện tử qua ứng dụng iHTKK, eTax hoặc qua các nhà cung cấp dịch vụ TVAN từ ngày 23/3/2018.

– Ngày 13/3/2018, Tổng cục Thuế đã thông báo chuẩn định dạng tờ khai XML của các bộ Báo cáo tài chính (sử dụng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ TVAN, các Tổ chức/cá nhân cung cấp Phần mềm kế toán hoặc các doanh nghiệp tự kết xuất tờ khai BCTC dưới dạng file XML để gửi qua mạng) đáp ứng Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính trên các trang Khai thuế qua mạng (địa chỉ http://kekhaithue.gdt.gov.vn) và Thuế điện tử (địa chỉ http://thuedientu.gdt.gov.vn) của ngành Thuế.

– Tổng cục Thuế tiếp tục lên kế hoạch nâng cấp đồng bộ các nội dung kê khai online của ứng dụng iHTKK, eTax và ứng dụng BCTC để xử lý dữ liệu Báo cáo tài chính phục vụ công tác quản lý thuế. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục thông báo kế hoạch cụ thể tới các Cục Thuế sau.

Như vậy, Công văn số 845/TCT-CNTT đã đưa ra những quy định kịp thời để nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình thực tế, qua đó thể hiện sự quan tâm của Tổng Cục thuế đến chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)
Trả lời

Ngày 28/03/2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1677/BYT-BH hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Công văn số 1677/BYT-BH có một số nội dung chính như sau:

1. Về việc tra cứu thông tin thẻ BHYT:

– Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cung cấp các công cụ tra cứu trên Cổng tiếp nhận hoặc Cổng thông tin điện tử hoặc tra cứu trực tiếp thông qua các hàm giao diện lập trình ứng dụng. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT khi đón tiếp người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh bằng một trong các công cụ này;

– Việc tra cứu thông tin tiến hành tại thời điểm người bệnh đến khám chữa bệnh làm cơ sở để xác định khám chữa bệnh đối với người bệnh theo chế độ BHYT hoặc không theo chế độ BHYT;

– Khi xảy ra sự cố kỹ thuật mà cơ sở khám chữa bệnh không tra cứu được thông tin, cần liên hệ ngay đến cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng hoặc qua Tổng đài hỗ trợ khách hàng để phối hợp xử lý kịp thời.

2. Về việc thay đổi thông tin trên thẻ BHYT:

– Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT hoặc thông tin kiểm tra qua hàm giao diện lập trình ứng dụng của cơ quan BHXH cung cấp khác thông tin tra cứu tại thời điểm người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh chỉ lập 01 Bảng kê chi phí khám chữa bệnh và 01 file dữ liệu điện tử hiệu chỉnh theo thông tin tra cứu lần cuối cùng;

– Trường hợp trong thời gian điều trị, người bệnh có thay đổi thông tin thẻ BHYT khác với thông tin đã tra cứu, cơ sở khám chữa bệnh lập hồ sơ thanh toán theo thông tin đã kiểm tra lúc người có thẻ BHYT đến khám bệnh;

– Trường hợp người bệnh được cấp Giấy chuyển tuyến sử dụng trong năm dương lịch có mã thẻ BHYT khác mã thẻ tra cứu trên hệ thống điện tử thì người đó không cần xin cấp lại giấy chuyển tuyến, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận.

3. Về trường hợp thẻ BHYT của người bệnh gần hết giá trị sử dụng khi khám chữa bệnh:

– Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thông báo thông tin này cho người bệnh và thân nhân;

– Cơ quan BHXH có trách nhiệm thu tiền đóng BHYT ngay tại cơ sở khám chữa bệnh trong vòng 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin từ cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện việc gia hạn.

Như vậy, Công văn số 1677/BYT-BH đã quy định rõ về phương thức kiểm tra thông tin thẻ BHYT cũng như cách thức thanh toán BHYT thông qua phương tiện điện tử. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện chính sách minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Quy định về chi phí vận tải năm 2018
Trả lời

Ngày 16/03/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 1395/TCHQ-TXNK quy định về chi phí vận tải. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành..

Theo đó, Công văn số 1395/TCHQ-TXNK quy định hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cả nước cụ thể như sau:

1. Chỉ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên nếu các Khoản chi phí này thuộc Khoản Điều chỉnh cộng quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 và đáp ứng đủ các Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Cửa khẩu nhập đầu tiên đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015.

2. Trường hợp các Khoản chi phí này là Khoản Điều chỉnh cộng thì cơ quan hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo như sau nếu doanh nghiệp thuộc diện khai báo mã phân loại khai trị giá là 7. Tại chỉ tiêu 1.49 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (Mã, tên Khoản Điều chỉnh): Ô 1 khai ký tự “N”, Ô 2 khai ký tự “DP”, Ô 3 nhập mã đơn vị tiền tệ, Ô 4 nhập tổng giá trị các Khoản Điều chỉnh, sau đó nhập vào tổng giá tính thuế bằng tay vào hệ thống. Đồng thời, tại chỉ tiêu 1.50 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC (chi tiết khai trị giá): nhập tóm tắt số tiền của từng Khoản Điều chỉnh, ví dụ CIC (1.270.000VNĐ).

3. Thực hiện kiểm tra Khoản chi phí này tại khâu trong và sau thông quan để thực hiện việc xác định trị giá đúng quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP Thông tư số 39/2015/TT-BTC Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Ngoài ra Công văn số 1395/TCHQ-TXNK còn đưa ra ví dụ minh họa cụ thể để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong cả nước tham khảo và thực hiện.

Những quy định tại Công văn số 1395/TCHQ-TXNK là những quy định hết sức cần thiết để kiểm soát và khắc phục tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau về việc cộng hay không cộng khoản chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên gây ra lúng túng trong việc tính chi phí vận tải. Qua đó, có thể thấy, Tổng cục Hải quan đang thể hiện những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả của công tác hải quan khi bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

 

Quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương
Trả lời

Ngày 07/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BTC quy định về về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2018.

Theo đó, Thông tư số 15/2018/TT-BTC quy định một số nội dung chính như sau:

1. Quy định về đối tượng điều chỉnh bao gồm: Kho bạc Nhà nước; Tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Sở Giao dịch Chứng khoán; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành, hoán đổi, mua lại và thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước.

2. Quy định về nguyên tắc chi trả và quản lý chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương:

– Ngân sách trung ương chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ. Ngân sách trung ương chi trả chi phí đấu thầu tín phiếu kho bạc cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và được tính vào chi phí hoạt động của tổ chức phát hành hoặc tính vào giá trị công trình, dự án (trong trường hợp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư cho công trình, dự án của tổ chức phát hành).

– Ngân sách địa phương chi trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính quyền địa phương.

3. Quy định về chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi và thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ:

– Chi phí trả cho Kho bạc Nhà nước; Chi phí đấu thầu phát hành, đấu thầu mua lại trái phiếu Chính phủ: Chi phí hoạt động bảo lãnh phát hành trả cho tổ chức bảo lãnh chính tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu Chính phủ;

– Chi phí hoạt động đại lý phát hành (nếu có) trả cho tổ chức cung cấp dịch vụ đại lý phát hành tối đa 0,1% giá trị danh nghĩa trái phiếu Chính phủ phát hành theo phương thức đại lý.

Căn cứ vào tình hình thị trường, mức độ phức tạp của đợt phát hành (khối lượng, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành), nội dung công việc (tổ chức phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ), Kho bạc Nhà nước thỏa thuận và thống nhất với đại lý phát hành mức phí tổ chức phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ và được quy định cụ thể tại hợp đồng đại lý phát hành. Mức phí này không bao gồm chi phí in chứng chỉ (nếu có).

Có thể thấy, Thông tư số 15/2018/TT-BTC với những quy định mới là một bước tiến mang tính đột phá thuộc lĩnh vực quản lý trái phiếu, là cơ sở tốt tạo đà cho sự phát triển của nền tài chính quốc gia.

Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng và chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng
Trả lời

Ngày 29/12/2017, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 22/2017/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN và chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2018.Theo đó, Thông tư số 22/2017/TT-NHNN đưa ra một số điểm mới nổi bật như sau:

1. Nguyên tắc hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng:

– Thực hiện hạch toán đối ứng và cân đối giữa các tài khoản ngoại tệ và từng loại ngoại tệ.

– Đối với các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ, hạch toán đồng thời các bút toán đối ứng bằng ngoại tệ và bút toán đối ứng bằng đồng Việt Nam.

– Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai Tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.

– Các khoản thu nhập, chi phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam thông qua tài khoản mua bán ngoại tệ để hạch toán vào tài khoản thu nhập, chi phí bằng đồng Việt Nam.

– Cuối tháng, quý, năm khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán quy đổi theo từng loại ngoại tệ, tổ chức tín dụng phải thực hiện quy đổi số dư, doanh số hoạt động của tài khoản ngoại tệ ra đồng Việt Nam để tổng hợp và phản ánh vào bảng cân đối tài khoản hàng tháng bằng đồng Việt Nam

– Các tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được lựa chọn áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế đối với giao dịch ngoại hối và các hợp đồng phái sinh; đồng thời, phải thuyết minh nội dung khác biệt giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, ảnh hưởng của sự khác biệt đó đến thông tin trên báo cáo tài chính.

2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung thuộc hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng

– 7 tài khoản thuộc Mục II – Hệ thống tài khoản kế toán được sửa đổi là 20; 275; 387; 41; 419; 994; 996 và bổ sung 2 tài khoản cấp III là tài khoản 9823 và tài khoản 9833

– Mục III sẽ có các tài khoản được sửa đổi như 20,273, 34, 387, 419, 471, 6312, 911, 994, 996 và bổ sung tài khoản cấp III là 9823, 9833

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng

– Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư số kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo nguyên tắc sau:

+ Đối với TCTD được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản TCTD tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

+ Đối với TCTD không được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

– Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;

– Khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, TCTD phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

– Đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam là đồng Việt Nam.

Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm quy định về nguyên tắc chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam.

Thông tư số 22/2017/TT-NHNN đã đưa ra những quy định tuân thủ theo các quy định về tỷ giá tại Luật Kế toán năm 2015, góp phần đáp ứng yêu cầu kế toán theo quy định mới về chế độ tài chính, cơ chế nghiệp vụ, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc thực tiễn hiện nay.

 

Những điểm mới trong quy định về của phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Trả lời

Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2018.

Theo đó, Thông tư số 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

1. Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt:

– Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

+ Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

+ Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;

+ Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay;

– Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đối với trường hợp:

+ Không thuộc đối tượng giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nêu trên;

+ Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng.

2. Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt chỉ áp dụng trong các trường hợp sau:

– Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

– Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;

– Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn nhà nước.

Như vậy, Thông tư số 21/2017/TT-NHNN là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoạt động giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng triệt để áp dụng theo phương thức thanh toán bằng chuyển khoản; hạn chế tối đa sử dụng phương thức dùng tiền mặt. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý tiền tệ, giao dịch tài chính trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với một số bộ phận của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Trả lời

Ngày 22/09/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của xe ô tô, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2018.

Theo đó, Thông tư số 31/2017/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với một số bộ phận của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cụ thể như sau:

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của xe ô tô: Mã số: QCVN 32:2017/BGTVT.

2.  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô: Mã số: QCVN 34:2017/BGTVT.

3.  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Mã số: QCVN 35:2017/BGTVT.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành, đảm bảo các Quy chuẩn được thực hiện đúng tinh thần cũng như phương hướng đề ra.

Bằng việc ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật nêu trên, Thông tư số 31/2017/TT – BGTVT đã xây dựng được những thước đo rõ ràng, cụ thể đối với các vấn đề về kỹ thuật của các phương tiện giao thông cơ giới, qua đó tạo điều kiện cũng như phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan trong hoạt động quản lý, kiểm soát việc sử dụng các phương tiện giao thông này.

Trách nhiệm của chủ dự án, nhà thầu thi công trong việc bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án xây dựng
Trả lời

Ngày 06/02/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2018.

Theo đó, Thông tư số 02/2018/TT-BXD đã quy định rõ trách nhiệm của chủ dự án, nhà thầu thi công trong việc bảo vệ môi trường và khi thực hiện dự án xây dựng như sau:

1. Trách nhiệm của chủ dự án:

– Lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt/xác nhận.

– Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng.

– Trên cơ sở các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận, chủ dự án có trách nhiệm bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

– Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.

– Đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

– Phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng công trình xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.

2. Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng:

– Thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu.

– Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án.

– Xây dựng và thực hiện nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;

– Tổ chức lập, trình chủ dự án chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.

– Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường.

– Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công.

– Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Như vậy, với việc ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD, Nhà nước đã đưa ra những quy định nhằm gắn chặt trách nhiệm của chủ dự án, nhà thầu thi công với công tác bảo vệ môi trường, tạo tiền đề quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường hiện nay.

Hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân
Trả lời

Ngày 12/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29/3/2018.

Theo đó, Thông tư số 20/2018/TT-BTC có một số điểm nổi bật như sau:

1. Quy định về vốn chủ sở hữu của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:

– Vốn điều lệ là tổng số vốn do các thành viên góp và được ghi vào điều lệ quỹ tín dụng nhân dân, hạch toán bằng đồng Việt Nam;

– Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản theo quyết định của Nhà nước hoặc các trường hợp đánh giá lại tài sản khác theo quy định của pháp luật;

– Các quỹ bao gồm:  Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính;

– Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối; lỗ lũy kế chưa xử lý;

– Vốn khác thuộc sở hữu của quỹ tín dụng nhân dân.

2. Quy định về quản lý và sử dụng vốn, tài sản:

– Việc thực hiện hạch toán vốn, tài sản theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của quỹ.

– Quỹ tín dụng nhân dân được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán của quỹ tín dụng nhân dân.

– Đối với những tài sản đi thuê, nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo quản giữ hộ của khách hàng, quỹ tín dụng nhân dân có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thỏa thuận với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Quy định về doanh thu của quỹ tín dụng nhân dân:

– Các khoản thu của quỹ tín dụng nhân dân phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

– Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm các khoản thu sau: Thu từ lãi và các khoản thu nhập tương tự; thu nhập từ hoạt động dịch vụ; thu từ hoạt động góp vốn tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và thu từ các hoạt động khác, các khoản thu khác như các khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro, thu từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu từ việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản,…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý và quỹ tín dụng nhân dân, theo đó, định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7) và hàng năm (trước ngày 31/3 năm kế tiếp) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo quy định.

Thông tư số 20/2018/TT-BTC quy định chi tiết về chế độ tài chính của quỹ tín dụng nhân dân, góp phần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước trước sự đổ bể của một số quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian gần đây, hạn chế rủi ro cho người gửi.