Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp
Trả lời

Ngày 07/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 207/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/03/2018.

Theo đó, Thông tư số 14/2018/TT-BTC đưa ra một số thay đổi mới nổi bật như sau:

1. Giảm mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp so với quy định hiện hành đối với các thủ tục sau:

– Công nhận lâm phần tuyển chọn: 600.000 đồng/giống (giảm 150.000 đồng/giống);

– Công nhận vườn giống: 2.400.000 đồng/vườn giống (giảm 350.000 đồng/vườn giống);

– Công nhận nguồn gốc lô giống, lô con giống: 600.000 đồng/lô giống (giảm 150.000 đồng/lô giống).

2. Quy định cụ thể đối với mức phí cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón); giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

3. Bổ sung thêm hai tổ chức có thẩm quyền thu phí, lệ phí, bao gồm Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Thông qua Thông tư số 14/2018/TT-BTC, Bộ Tài chính đã điều chỉnh linh hoạt các quy định về mức phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp phù hợp với diễn biến thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành lâm nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Quy định việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trả lời

Ngày 07/02/2018, Bộ Công an ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BCA quy định về việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ để nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/03/2018.

Theo đó, Thông tư số 05/2018/TT-BCA đưa ra một số điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Quy định về độ tuổi của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện, cụ thể là việc xác định độ tuổi thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Quy định về xác định nơi cư trú và xác minh nơi cư trú của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được cụ thể hóa như sau:

– Việc xác định nơi cư trú của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

– Cơ quan Công an có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị tiến hành xác minh nơi cư trú của người vi phạm. Việc xác minh được thực hiện bằng hình thức xác minh trực tiếp hoặc gửi Phiếu yêu cầu xác minh.

3. Quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bao gồm: Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc của người đại diện hợp pháp của họ; Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép; Bản sao Giấy chứng nhận đã chấp hành xong Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Như vậy, với những quy định mới và chi tiết hơn so với các văn bản hướng dẫn trước đó, Thông tư số 05/2018/TT-BCA là một bước tiến mang tính đột phá và rất cần thiết trong lĩnh vực xử lý các vi phạm hành chính về sử dụng trái phép chất ma túy. Thông tư này được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo tốt nhất cho việc áp dụng và thực hiện có hiệu quả của các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Trả lời

Ngày 11/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP hướng dẫn về hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể như sau:

1. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.

2. Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

3. Danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.

4. Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với công ty thực hiện quản lý quỹ; các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư và nội dung này phải được quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý quỹ (nếu có).

5. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức quản lý theo một trong các mô hình sau: Đại hội nhà đầu tư, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đại hội nhà đầu tư, Ban đại diện quỹ hoặc Giám đốc quỹ, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đại hội nhà đầu tư, Ban đại diện quỹ và Giám đốc quỹ, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

6. Các nhà đầu tư của quỹ có thể thành lập hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Công ty thực hiện quản lý quỹ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thành lập quỹ và thông báo bổ sung ngành, nghề quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

7. Hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này thực hiện theo điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán.

Có thể thấy, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã có những quy định chi tiết về đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt việc quy định cụ thể về quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng như việc sử dụng ngân sách địa phương hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới và mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Quy định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trả lời

Ngày 11/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như sau:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 03 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

– Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng.

– Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

– Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

– Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

– Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể tiêu chí phân loại rõ ràng về quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.

Bãi bỏ một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng
Trả lời

Ngày 12/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2018/NĐ-CP bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, Nghị định số 42/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ một số Nghị định sau:

1. Nghị định số 14/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ ban hành bản Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

2. Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

3. Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

4. Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

5. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại.

6. Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng.

Như vậy, Nghị định số 42/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ các Nghị định trong lĩnh vực ngân hàng không còn phù hợp với thực tế hoặc đã có văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành
Trả lời

Ngày 12/03/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 27/04/2018.

Theo đó, Thông tư số 23/2018/TT-BTC quy định:

1. Về đối tượng áp dụng: đối với các công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

2. Về nghiệp vụ kế toán: Một số tài khoản hạch toán nghiệp vụ kế toán liên quan đến chứng quyền bao gồm Tài khoản 329 – Phải trả chứng quyền; Mở tài khoản chi tiết của Tài khoản 112 – Tiền gửi ngân hàng để theo dõi tiền bảo đảm thanh toán tại ngân hàng lưu ký trước khi chào bán chứng quyền, tiền gửi tại tài khoản phong tỏa (tiền bán chứng quyền khi phân phối trên thị trường sơ cấp) và tiền gửi tại tài khoản tự doanh (để thực hiện phòng ngừa rủi ro theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán); Tài khoản 018 – Chứng quyền.

3. Về báo cáo tài chính: Công ty chứng khoán phải thực hiện báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Đồng thời, trong báo cáo tài chính, công ty chứng khoán phải thuyết minh bổ sung các nội dung: Lãi, lỗ đánh giá lại chứng quyền của tổ chức phát hành; Lãi, lỗ đánh giá lại tài sản cơ sở từ hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành; Tổng số tiền gửi ký quỹ đảm bảo thanh toán tại ngân hàng lưu ký của tổ chức phát hành; Tổng số tiền nộp bổ sung cho mục đích phòng ngừa rủi ro do chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế; Tổng số chứng khoán dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro; Tổng số chứng quyền được phép phát hành; Tổng số chứng quyền đang phát hành.

Bằng những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về kỹ thuật đối với nghiệp vụ kế toán và báo cáo tài chính đối với chứng quyền có bảo đảm, Thông tư số 23/2018/TT-BTC đã xây dựng cơ sở quan trọng để các công ty chứng khoán là tổ chức phát hành triển khai loại sản phẩm chứng khoán mới này.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
Trả lời

Ngày 12/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.

Theo đó, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định như sau:

1. Đối tượng áp dụng: Các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập theo quy định của nghị định; người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

3. Quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, bao gồm: Vi phạm quy định về thi chứng chỉ kế toán viên và cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề, người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng chỉ kế toán viên, chứng chỉ Kiểm toán viên; vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán; vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ kế toán qua biên giới; vi phạm quy định về thông báo, báo cáo; vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán; vi phạm quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và kinh doanh dịch vụ kiểm toán; vi phạm quy định về hoạt động kiểm toán; vi phạm quy định về đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng; vi phạm quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Như vậy, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và cụ thể về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý và mức phạt tiền thích hợp đối với mỗi hành vi vi phạm đã cho thấy thái độ nghiêm khắc của nhà nước đối với các hoạt động kế toán, kiểm toán   nhằm đảm bảo sự trung thực, khách quan, chính xác đối với các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Hướng dẫn thực hiện quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện
Trả lời

Ngày 09/02/2018, Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 28/03/2018.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn chi tiết một số quy định cụ thể như sau:

1. Quy định về 03 nguyên tắc phối hợp thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện, bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng; khuyến khích phạm nhân, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thi đua cải tạo, tiến bộ, chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ trong thời gian thử thách; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhiệm vụ.

2. Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cụ thể như sau:

– Các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện rà soát, lập danh sách (kèm theo hồ sơ) đề nghị tha tù trước thời hạn;

– Lập Hội đồng xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện và Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện;

– Sau khi thẩm định hồ sơ, danh sách phạm nhân đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Hội đồng tổng hợp kết quả, lập danh sách và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự duyệt

– Căn cứ kết quả thẩm định đã duyệt, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, và quyết định rút ngắn thời gian thử thách, bao gồm:

– Lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách;

– Thực hiện thủ tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách

– Thực hiện thủ tục xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

4. Quy định về trình tự thi hành Quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện, cụ thể như sau:

– Tổ chức công bố công khai Quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện; cấp Giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện và tha phạm nhân có Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;

– Lập hồ sơ thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức quản lý, giám sát và giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;

– Quản lý, bổ sung tài liệu hồ sơ thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, phân công người trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

– Báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để theo dõi, chỉ đạo.

5. Quy định về trình tự, hồ sơ đề nghị và thi hành Quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cụ thể như sau:

– Lập hồ sơ, có văn bản đề nghị và gửi đến Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, đồng thời gửi hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

– Hồ sơ đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện gồm: Biên bản vi phạm nghĩa vụ hoặc Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; văn bản đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, đơn vị quân đội được giao quản lý; bản sao Bản án; bản sao Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; kết quả chấp hành các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bị hủy Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Cơ quan quản lý thi hành án hình sự quyết định đưa người đó đến trại giam, trại tạm giam hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp tục chấp hành phần thời hạn tù còn lại chưa chấp hành.

Thông qua Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý công khai, minh bạch, rõ ràng về tha tù trước thời hạn có điều kiện, góp phần trong việc đưa Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nhanh chóng đi vào thực tiễn áp dụng và thi hành pháp luật.

Hướng dẫn tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành
Trả lời

Ngày 20/03/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 55/TANDTC-PC hướng dẫn các tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Công văn số 55/TANDTC-PC hướng dẫn các nội dung sau:

1. Tiêu chí xác định vụ việc dân sự hòa giải thành:

– Các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án và Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

– Sau khi hòa giải, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; dân sự với lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện;

– Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung và Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự;

– Việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ và Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu.

2. Tiêu chí xác định vụ án hành chính đối thoại thành:

– Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

– Trường hợp sau khi đối thoại, người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện rút đơn khởi kiện như đã cam kết tại phiên họp đối thoại và Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án.

Bằng những hướng dẫn cụ thể và chi tiết của Tòa án nhân dân tối cao về tiêu chí xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Công văn số 55/TANDTC-PC được đánh giá có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ tốt cho công tác giải quyết vụ việc và vụ án tại Tòa án.

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng
Trả lời

Ngày 13/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng như sau:

1. Trong năm 2018, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày (giảm 10 ngày so với quy định cũ).

2. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng từ 82 ngày xuống còn 63 ngày, trong đó thẩm định thiết kế cơ sở giảm tối thiểu 05 ngày, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công giảm tối thiểu 04 ngày và cấp giấy phép xây dựng giảm tối thiểu 10 ngày.

3. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày. Trong đó, góp ý đối với dự án thiết kế quy hoạch giảm từ 10 ngày xuống còn 05 ngày, góp ý với thiết kế cơ sở từ 10 ngày xuống còn 05 ngày.

Có thể thấy, các chỉ đạo cụ thể tại Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về giấy phép xây dựng theo hướng rút ngắn thủ tục hành chính, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành xây dựng nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung.