Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Nguyên tắc áp dụng cấp công trình để phân hạng năng lực hoạt động xây dựng
Trả lời

Ngày 30/06/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng (“Thông tư 06”). Thông tư 06 đã quy định về nguyên tắc áp dụng cấp công trình để phân hạng năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân nhằm cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Cụ thể gồm 04 nhóm đối tượng:
1. Công trình độc lập
– Áp dụng cấp công trình là cấp cao nhất được xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư 06 đối với công trình đó.
– Trường hợp công trình độc lập không quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo quy định tại Phụ lục II Thông tư này và ngược lại.
2. Một số công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng
– Áp dụng cấp công trình là cấp cao nhất được xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư 06 đối với từng công trình được xét.
– Trường hợp công trình độc lập không quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo quy định tại Phụ lục II Thông tư này và ngược lại.
3. Toàn bộ một tổ hợp các công trình hoặc toàn bộ một dây chuyền công nghệ gồm nhiều hạng mục
– Trường hợp gồm nhiều hạng mục có quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo Phụ lục I Thông tư này;
– Trường hợp gồm nhiều hạng mục không quy định trong Phụ lục I Thông tư này thì cấp công trình được xác định theo cấp của công trình chính (thuộc tổ hợp các công trình hoặc dây chuyền công nghệ) có cấp cao nhất.
4. Một công trình, một số công trình hoặc toàn bộ các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo tuyến
– Áp dụng cấp công trình là cấp cao nhất được xác định theo Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này đối với từng công trình thuộc tuyến.
Thông tư 06 có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2021 và thay thế các Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 và Thông tư số 07/2019/TT-BXD ngày 07 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Nguyên tắc xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hoá
Trả lời

Ngày 23 tháng 6 năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 46/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty Cổ phần (“Thông tư 46”). Thông tư 46 thay thế Thông tư 41/2018/TT-BTC.
Theo đó, việc xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hoá có những điểm thay đổi so với Thông tư 41/2018/TT-BTC và phải đảm bảo nguyên tắc sau:
– Đối với Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Phải chủ động xử lý những tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành.
– Đối với diện tích đất mà Doanh nghiệp không được giữ lại tiếp tục sử dụng nhưng thực tế vẫn đang theo dõi, sử dụng và chưa có kế hoạch thu hồi: Phải báo cáo, thuyết minh làm cơ sở bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP.
– Không thực hiện điều chỉnh số liệu trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố.
– Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì xử lý theo hướng dẫn của pháp luật.
– Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp GCNĐKDN cổ phần lần đầu, doanh nghiệp lập báo cáo tài chính và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước.
– Trường hợp phát hiện kiểm kê thiếu hoặc bỏ sót các tài sản, công nợ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa được xử lý theo quy định.
– Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết, xử lý các vấn đề tài chính trong quá trình cổ phần hóa và các vấn đề tài chính phát sinh (nếu có) liên quan đến quá trình cổ phần hóa sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
– Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp: Phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, đồng thời được lựa chọn tối thiểu một phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.
– Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thuyết minh, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tại phương án cổ phần hóa và bản cáo bạch thông tin các loại tài sản hiện có tại doanh nghiệp (tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác đang quản lý, sử dụng; tài sản là công trình đầu tư đang thực hiện dở dang) được đầu tư bằng vốn đầu tư công và được xác định là tài sản công.
Thông tư 46 có hiệu lực kể từ ngày 07/8/2021.

Nguyên tắc tính thuế VAT và thuế PIT của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Trả lời

Ngày 01 tháng 6 năm 2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản ký thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Văn bản có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2021. Theo đó, nguyên tắc tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được xác định như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thứ hai, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Thứ ba, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Đồng thời, theo Thông tư này thì cách xác định thuế được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
+ Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bổ sung quy định về thiết bị, dụng cụ y tế chịu 5% thuế suất thuế GTGT
Trả lời

Ngày 11/06/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (“Thông tư 43”).
Theo đó, Thông tư 43 này đã bổ sung và chi tiết hơn đối tượng chịu 5% thuế suất thuế GTGT, cụ thể đối với các thiết bị, dụng cụ y tế sẽ chịu thuế suất thuế GTGT 5% khi có một trong những giấy tờ sau:
– Giấy phép nhập khẩu hoặc;
– Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc;
– Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc;
– Theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Trước đó, Thông tư số 219/2013/TT-BTC chỉ hướng dẫn chung chung rằng: Các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Việc bổ sung và chi tiết hóa tại Thông tư 43 đã giúp việc xác định đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% trở nên dễ dàng hơn.
Như vậy, kể từ ngày Thông tư 43 có hiệu lực (ngày 01/8/2021) thì những thiết bị, dụng cụ y tế có một trong các giấy tờ nêu trên phải chịu 5% thuế suất thuế GTGT.

Bản Tin Pháp Luật Số 07/2021
Trả lời

Giảm phí, lệ phí trong một số lĩnh vực nhằm hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid từ ngày 01/7/2021
Trả lời

Ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, có 30 mức thu của một số khoản phí, lệ phí được giảm. Trong đó, các khoản phí, lệ phí tiêu biểu được giảm liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, với mức thu cụ thể như sau:
– Lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 172/2016/TT-BTC;
– Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng: Bằng 50% mức thu phí quy định tại Mục 1 Biểu mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 209/2016/TT-BTC;
– Phí thẩm định thiết kế cơ sở: Bằng 50% mức thu phí quy định tại Mục 2 Biểu mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 209/2016/TT-BTC;
– Phí thẩm định thiết kế kỹ thuật và Phí thẩm định dự toán xây dựng: Bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 210/2016/TT-BTC;
– Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: Bằng 50% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC;
– Phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán: Bằng 50% mức thu phí, lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC (ngoại trừ Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán; Phí giám sát hoạt động chứng khoán);
– Lệ phí sở hữu công nghiệp: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC;
– Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Mục 1 Biểu mức thu tại Điều 4 Thông tư số 259/2016/TT-BTC;
– Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Thông tư số 207/2016/TT-BTC;
– Phí trong lĩnh vực y tế: Bằng 70% mức thu phí quy định tại Điều 1 Thông tư số 11/2020/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Tháo gỡ nút thắt về chính sách ưu đãi thuế TNDN cho lĩnh vực Công Nghiệp Hỗ Trợ
Trả lời

Ngày 04/06/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP (“Nghị định 57”) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (“CNHT”) thực hiện trước ngày 01/01/2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Bản tin này điểm qua một số chính sau đây: (1) Những quy định trước đây về chính sách ưu đãi thuế TNDN cho lĩnh vực CNHT; (2) Nội dung chính tại Nghị định số 57; (3) Hướng dẫn điều chỉnh số tiền nộp thuế. Sau đây là nội dung chi tiết:
1. Những quy định trước đây về chính sách ưu đãi thuế TNDN cho lĩnh vực CNHT:
– Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015;
– Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT;
– Thông tư 55/2015/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
2. Nội dung chính tại Nghị định số 57:
– Xác định đối tượng các Doanh nghiệp thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho lĩnh vực CNHT;
– Nguyên tắc xác định thời gian ưu đãi TNDN cho lĩnh vực CNHT trong một số trường hợp cụ thể;
– Các ví dụ cụ thể các Doanh nghiệp tham khảo, đối chiếu áp dụng;
3. Hướng dẫn điều chỉnh số tiền nộp thuế tại Nghị định số 57:
– Các trường hợp điều chỉnh: DN được giảm số thuế TNDN, tiền chậm nộp (nếu có);
– Cách thức: DN có văn bản đề nghị gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp điều chỉnh giảm số thuế TNDN phải nộp đã thực hiện kê khai hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
– Sau khi điều chỉnh giảm mà có số tiền thuế, tiền chậm nộp nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (04/06/2021).
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Những điều Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công Nghiệp Hỗ Trợ cần biết
Trả lời

Ngày 04/06/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP (“Nghị định 57”) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (“CNHT”) thực hiện trước ngày 01/01/2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Bản tin này điểm qua một số chính sau đây: (1) Cách xác định thời gian áp dụng ưu đãi; (2) Những điều Doanh nghiệp nên làm để tận dụng chính sách ưu đãi tại Nghị định 57.
1. Cách xác định thời gian áp dụng ưu đãi;
Trường hợp DN mà thu nhập từ dự án xuất sản phẩm CNHT chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN, việc xác định thời gian áp dụng ưu đãi được xác định = thời gian được hưởng ưu đãi về TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT (kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT).
Trường hợp DN mà thu nhập từ dự án xuất sản phẩm CNHT đã hưởng hết/đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT), việc xác định thời gian áp dụng ưu đãi được xác định như sau = thời gian còn lại của thời gian được hưởng ưu đãi TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ).
Trong đó:
– Thời gian còn lại = Thời gian ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT (-) số năm miễn thuế, số năm giảm thuế, số năm hưởng thuế suất ưu đãi đã được hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác.
2. Những điều Doanh nghiệp nên làm để tận dụng chính sách ưu đãi tại Nghị định 57
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT, đặc biệt doanh nghiệp có các dự án CNHT thực hiện trước ngày 01/01/2015 nên:
– Rà soát khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định 57 và các văn bản có liên quan;
– Kịp thời triển khai các thực hiện các thủ tục cần thiết với các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, các cơ quan thuế quản lý nhằm áp dụng ưu đãi thuế đúng quy định và kịp thời.
– Nếu đã được áp dụng chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực CNHT, vẫn cần rà soát nhằm kiểm tra, đảm bảo duy trì việc đáp ứng các điều kiện ưu đãi trong quá trình hoạt động của dự án đúng quy định.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (Ngày 04/06/2021).
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Cập nhật về ưu đãi thuế mới nhất trong lĩnh vực Công Nghiệp Hỗ Trợ
Trả lời

Ngày 04/06/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP (“Nghị định 57”) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (“CNHT”) thực hiện trước ngày 01/01/2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Bản tin này điểm qua một số chính sau đây: (1) Sản phẩm CNHT là gì? (2) Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị đinh 57.
1. Sản phẩm CNHT là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển CNHT đã định nghĩa như sau: “Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.
Chi tiết về Danh Mục Các Sản Phẩm CNHT được quy định tại:
– Phụ Lục 1: Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong nước đã sản xuất được trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (ban hành kèm theo Thông Tư Số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương);
– Phụ Lục: Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (Ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ).
2. Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị đinh 57
Là Doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm CNHT (“DN”), thực hiện trước ngày 01/01/2015, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT, cụ thể gồm có 3 nhóm đối tượng sau:
a. Đối tượng 1: DN mà thu nhập từ dự án xuất sản phẩm CNHT chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
b. Đối tượng 2: DN mà thu nhập từ dự án xuất sản phẩm CNHT đã hưởng hết ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT).
c. Đối tượng 3: DN mà thu nhập từ dự án xuất sản phẩm CNHT đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT).
Ý nghĩa của Nghị định 57:
Sự ra đời của Nghị định 57 tại thời điểm hiện nay có 02 ý nghĩa đặc biệt qua trọng:
– Thứ nhất: Nó có ý nghĩa đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Thông qua chính sách ưu đãi thuế TNDN, doanh nghiệp có thể phần nào vượt qua được những khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến tình hình sản xuất trong thời gian dài và chưa có hồi kết.
– Thứ hai: Nghị định 57 đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc cải cách cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Nghị định 57 có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 04/06/2021).
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!

Danh mục sản phẩm, hàng hóa bảo hộ lao động phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu
Trả lời

Ngày 03/6/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó, Thông tư đã quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu, bao gồm:
– Phương tiện bảo vệ đầu cho người lao động: Mũ an toàn công nghiệp;
– Phương tiện bảo vệ mắt, mặt cho người lao động: Kính hàn, mặt nạ hàn, chống vật văng bắn, tia cực tím;
– Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp cho người lao động: Khẩu trang, mặt nạ và bán mặt nạ lọc bụi; Khẩu trang, mặt nạ và bán mặt nạ lọc hơi khí độc (trừ khẩu trang y tế);
– Phương tiện bảo vệ tay cho người lao động: Găng tay bảo hộ lao động chống cắt, đâm thủng, cứa rách, cách điện (trừ mặt hàng găng tay y tế, găng khám bệnh);
– Phương tiện bảo vệ chân cho người lao động: Giầy chống đâm thủng, cứa rách, va đập, hóa chất; Ủng cách điện;
– Dây đai an toàn và Hệ thống chống rơi ngã cá nhân cho người lao động;
– Quần áo chống nhiệt và lửa cho người lao động;
– Thang máy; các bộ phận an toàn thang máy như sau: Thiết bị khóa cửa tầng và khóa cửa cabin; Bộ hãm an toàn; Hệ thống phanh của máy dẫn động; Bộ khống chế vượt tốc; Bộ giảm chấn; Van ngắt/van một chiều của thang máy thủy lực;
– Thang cuốn và băng tải chở người; các bộ phận an toàn của thang cuốn bao gồm: Hệ thống phanh điều khiển, dừng thang hoặc băng; Hệ thống hãm an toàn; Máy kéo (động cơ, hộp số);
– Chai, thùng chứa khí nén có áp suất làm việc định mức trên 0,7 bar (trừ chai chứa sản phẩm dầu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng);
– Pa lăng điện, tời điện;
– Pa lăng kéo tay, tời tay có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên;
– Bàn nâng người, sàn nâng người (trừ sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng).
Đối với các sản phẩm thuộc danh mục trên, sẽ phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng khi nhập khẩu và được Cục an toàn lao động; Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2021.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!