Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
Giải đáp pháp luật
Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ có nhiều quy định mới về kinh doanh rượu
Trả lời

Ngày 14/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP  quy định chi tiết về kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2017 và thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Thẩm quyền cấp giấy phép như sau:
– Bộ Công Thương cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/ năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu;
– Sở Công Thương cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/ năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

Ngoài ra, tại Thông tư này, một số hành vi trước đây bị coi là vi phạm pháp luật về kinh doanh rượu nay đã được loại bỏ hoặc quy định gộp thành 7 hành vi: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
 

Thông tư số 106/2017/TT-BTC ngày 06/10/2017 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn hành nghề đấu giá tài sản, phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản
Trả lời

Ngày 16/10/2017, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 106/2017/TT-BTC (có hiệu lực ngày 21/11/2017) có nội dung quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn hành nghề đấu giá tài sản, phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản thay thế cho Thông tư số 221/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Căn cứ vào nội dung Thông tư số 106/2017/TT-BTC có một số thay đổi, quy định mới so với các văn bản hướng dẫn trước đây, cụ thể:           

Phí thẩm định tiêu chuẩn hành nghề đấu giá tài sản được điều chỉnh mới cụ thể như sau: Mức phí tham dự kiểm tra kết quả tập sự là 2.700.000VNĐ; mức phí cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá là 800.000VNĐ. Bên cạnh đó, mức phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng được điều chỉnh như sau: Mức phí Cấp mới Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật đấu giá tài sản là 1.000.000VNĐ; cấp mới Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP là 500.000VNĐ; mức phí thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là 500.000VNĐ.

Biểu phí mới được xây dựng xuất cơ sở thực tiễn, có tính toán tới những giá trị chi phí cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc nắm bắt kịp thời các thông tin mới liên quan tới biểu phí sẽ là cơ sở giúp các cá nhân, tổ chức có thể nhanh chóng cân đối tài chính để thực hiện thủ tục một cách chủ động và hiệu quả nhất.

Thông tư số 110/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017 do Bộ Tài chính ban hành quy định mới về việc bổ sung biểu mức thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Trả lời

Ngày 20/10/2017, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 110/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 11/12/2017) có nội dung quy định bổ sung về biểu mức thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thay cho biểu mức phí đang được áp dụng tại Thông tư số 245/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016. Đáng lưu ý, có nhiều mức phí được điều chỉnh giảm xuống, cụ thể: Mức phí đối với cấp mới, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động giảm từ 16.000.000VNĐ xuống thành 15.000.000VNĐ; mức phí đối với cấp lại khi bổ sung lĩnh vực hoạt động giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động giảm từ 5.500.000VNĐ xuống 5.000.000VNĐ; mức phí đối với cấp mới, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giảm từ 21.500.000VNĐ xuống 20.500.000VNĐ; mức phí đối với cấp lại khi bổ sung lĩnh vực hoạt động giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tăng từ 6.500.000VNĐ lên 7.000.000VNĐ; mức phí đối với cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giảm từ 1.300.000VNĐ xuống 1.200.000VNĐ; mức phí đối với cấp lại khi bổ sung lĩnh vực hoạt động giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giảm từ 550.000VNĐ xuống 500.000VNĐ.

Việc tăng, giảm biểu mức thu phí thẩm định cho mỗi trường hợp cụ thể dựa trên sự tính toán chi phí cần thiết thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai kinh doanh hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Công văn số 7228/TCHQ-TXNK ngày 06/11/2017 của Tổng cục Hải quan quy định về hoàn trả tiền thuế tự vệ đã nộp do Tổng cục Hải quan ban hành
Trả lời

Ngày 06/11/2017, trả lời công văn của doanh nghiệp – Công ty Cổ phần Que hàn điện Việt Đức, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 7728/TCHQ- TXNK trả lời doanh nghiệp về vướng mắc việc nộp C/O,  hoàn trả tiền thuế tự vệ đã nộp do Tổng cục Hải quan ban hành. Theo đó Cơ quan này trả lời:
Ngày 07/7/2017, Bộ Công Thương có công văn số 6046/BCT-QLCT trả lời kiến nghị của Công ty, theo đó, Bộ Công Thương khẳng định: theo văn bản số 3410/TCHQ-TXNK ngày 23/5/2017 của Tổng cục Hải quan, với trường hợp được Công ty trình bày trong kiến nghị ngày 03/6/2017 do Công ty không phải là người nộp thuế theo quy định tại Điều 49 và Điều 132 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính nên Tổng cục Hải quan không có cơ sở pháp lý để hoàn trả lại thuế tự vệ đã nộp cho Công ty. Ý kiến của Tổng cục Hải quan là hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ngày 19/9/2017, Bộ Công Thương có công văn số 8676/BCT-PVTM gửi Bộ Tài chính, theo đó Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định: ý kiến của Tổng cục Hải quan là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, vướng mắc tại công văn 6356/VPCP-ĐMDN của Công ty liên quan đến việc hoàn trả tiền thuế tự vệ đã nộp đã được hướng dẫn tại công văn số 3410/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan và công văn số 6046/BCT-QLCT của Bộ Công Thương. Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tại các văn bản nêu trên để thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Công Thương để xem xét việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 3914/QĐ-BCT về việc miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với các công ty nhập khẩu thép dây có mã HS 7227.90.00 để sản xuất vật liệu hàn được áp dụng đối với cả trường hợp doanh nghiệp sản xuất có tên tại Quyết định 3914/QĐ-BCT nhưng không nhập khẩu mà mua thép từ các công ty thương mại nhập khẩu (Quyết định 3914/QĐ-BCT thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Công Thương).

Việc ban hành công văn trả lời doanh nghiệp về việc hoàn trả tiền thuế tự về đã nộp của Tổng cục Hải quan tạo thêm niềm tin của các cá nhân, tổ chức khi kinh doanh hàng nhập khẩu tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế đất nước. Công văn này cũng có giá trị tham khảo đối với các doanh nghiệp rơi vào trường hợp tương tự.
 

Công văn số 7725/TCHQ/GSQL ngày 06/11/2017 của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác kiểm tra, xuất xứ, nhãn hàng hóa
Trả lời

Ngày 06/11/2017, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 7725/TCHQ-GSQL về việc tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa, Theo Công văn số 7725/TCHQ-GSQL việc tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ nhãn hàng hóa sẽ được các Cục Hải quan các tỉnh thực hiện như sau:

1. Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính Phủ về ghi nhãn hàng hóa và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa thì Chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa xác minh nghi vấn.

3. Khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Cục Giám sát quản lý – Tổng cục Hải quan.
Công văn số 7725/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan mang tính chỉ đạo để các địa phương thắt chặt việc nhập khẩu các hàng hóa một cách ồ ạt khó xác định nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu và rà soát các loại hàng hóa đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào thị trường Việt Nam nhằm tạo ra một thị trường bền vững, lành mạnh.

Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT ngày 09/11/2017 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ
Trả lời

Ngày 09/11/2017, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe sẽ phải thực hiện việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 cho đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Cụ thể như sau:
–  Từ ngày 01/01/2018, xe ôtô con loại trên 7 – 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới; xe nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
– Các trường hợp tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.
Nhãn năng lượng của xe được hiểu là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe theo nhu cầu.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ các đối tượng sẽ không bắt buộc áp dụng việc dán nhãn năng lượng, bao gồm:
– Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
– Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự;
– Xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe;
– Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;
– Xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí tự nhiên.
Thông tư 40/2017/TT-BGTVT quy định về dán nhãn năng lượng cho xe ôtô con loại trên 7 – 9 chỗ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu công bố mức tiêu thụ nhiên liệu của ôtô không đúng với thực tế, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiêu thụ năng lượng.

Công văn số 10365/BCT-TTTN ngày 04/11/2017 của Bộ Công thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu
Trả lời

Ngày 04 tháng 11 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Công văn 10365/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu áp dụng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo Công văn này, việc kinh doanh xăng dầu có một số điều chỉnh như sau:

1. Giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.

2. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu

– Xăng khoáng: 300 đồng/lít;

– Xăng E5: 300 đồng/lít;

– Dầu điêzen: 250 đồng/lít;

– Dầu hỏa: 200 đồng/lít;

– Dầu madút: 270 đồng/kg.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:

– Xăng RON 92: không cao hơn 18.146 đồng/lít;

– Xăng E5: không cao hơn 17.858 đồng/lít;

– Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 14.611 đồng/lít;

– Dầu hỏa: không cao hơn 13.198 đồng/lít;

– Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 11.909 đồng/kg.

Việc điều chỉnh trên áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 04 tháng 11 năm 2017.

Công văn được ban hành thể hiện sự nâng cao của năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, thể hiện điều hành giá xăng dầu một cách công khai, minh bạch và duy trì mức bình ổn giá xăng dầu ổn định trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu thụ loại mặt hàng này.

Chủ trương thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020
Trả lời
Ngày 17 tháng 8 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệthoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.
 
Thực trạng của quá trình thoái vốn hiện nay:
Tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 707/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020” thì việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước phải đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên với thực trạng cổ phần hóa và thoái vốn hiện nay còn chậm, cũng như gặp nhiều vướng mắc, để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn. 
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nửa đầu năm không mấy khả quan với con số các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.466 tỷ đồng và thu về 14.842 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thu về này phần lớn nhờ việc bán vốn tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), đã thực hiện từ cuối năm ngoái với tổng vốn hơn 11.200 tỷ đồng. 
Nếu việc thoái vốn tại nhiều tập đoàn tổng công ty lớn như Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công Ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Vinamilk… được thực hiện theo kế hoạch thì số tiền thu về từ thoái vốn sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên phương án thoái vốn của các đơn vị này hiện vẫn chưa được “chốt”. 
Theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thì việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Vinamilk vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Hay tại Habeco và Sabeco, mặc dù đã tiến hành cổ phần hóa nhưng hiện Nhà nước vẫn nắm lượng lớn cổ phần. Từ năm 2016, Bộ Công Thương đã xây dựng lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp; trong đó Habeco sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn thuộc sở hữu Nhà nước trong năm 2016; Sabeco sẽ chia ra làm hai đợt bán 89,59% vốn Nhà nước trong năm 2017. 
Tuy nhiên đến nay, việc thoái vốn của Habeco và Sabeco vẫn đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù Bộ Công Thương đã thành lập cả Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc. Đến nay, dù hai doanh nghiệp đã lên sàn nhưng các đơn vị mới đang xây dựng đề án thoái vốn để trình Chính phủ trước ngày 31/7/2017 và dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2017. Quá trình thoái vốn của các Doanh nghiệp lớn này gặp nhiều khó khăn một phần liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật; còn phần lớn còn lại là do các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ phần lớn đều có tài sản lớn, địa bàn rộng, các dự án đầu tư dở dang, dẫn đến thời gian xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng đến các tiến độ thực hiện nên yêu cầu phải có sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương.
 
Mục đích của việc ban hành Danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn: 
Nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc bảo đảm nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế. 

 
Số lượng, lộ trình và phương án thoái vốn:
Tổng số lượt DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt DN, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn. Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 DN, năm 2018 thoái ở 181 DN, năm 2019 thoái ở 62 DN và năm 2020 thoái ở 28 DN. Trong danh sách này, có một số DN sẽ thoái vốn vài đợt trong khoảng thời gian này.
Điểm qua một số DNNN lớn trong danh sách này cho thấy, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) phải thoái 52,47% tỉ lệ vốn tối thiểu (so với vốn điều lệ) trong năm 2017 và tới năm 2020 DN này sẽ phải thoái tiếp 36% nữa.
Ở Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng phải thoái vốn hai lần. Lần đầu tiên sẽ thoái 20% tỉ lệ vốn tối thiểu vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40%. Còn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019…

 
Nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan:
Để thực hiện thành công Quyết định, yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn theo tiến độ và tỉ lệ đã được phê duyệt tại Danh mục kèm theo Quyết định này theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước theo Quyết định này; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kịp thời việc thoái vốn Nhà nước tại các DN chưa có trong Danh sách.
Quyết định số 1232/QĐ-TTg cũng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại DN để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỉ lệ thoái vốn so với tỉ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt; bổ sung thêm DN thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Đồng thời yêu cầu người đứng đầu bộ, địa phương nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đối với các DN thuộc diện chuyển giao theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận, SCIC có trách nhiệm thực hiện thoái vốn theo Quyết định này.
Trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25/12 hằng năm, gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.
Đối với một số DN đặc thù hoặc có quy mô lớn sẽ thực hiện theo Quyết định riêng của cấp có thẩm quyền. Đó là các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TPHCM, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội; Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn; Bệnh viện Giao thông vận tải; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.
Ý nghĩa của việc công bố Danh mục này:
Với 406 lượt DNNN phải thoái vốn từ nay tới năm 2020, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65.000 tỷ đồng, đây là một con số không hề nhỏ mà Ngân sách Nhà nước sẽ được thu về. 
Việc công bố Danh mục này là giải pháp quan trọng để các nhà đầu tư ngắm tới. Trước đây, Chính phủ chưa công bố nên các nhà đầu tư phải chờ đợi nhỏ giọt trong từng trường hợp cổ phần hoá, bán vốn tại DN cụ thể nên không hiệu quả cho cả hai bên. Giờ công bố rõ ràng ra thì nhà đầu tư nhìn thấy tổng thể các DNNN cần cổ phần hoá, bán vốn nên có nhiều lựa chọn để người ta tiếp cận ngay. Có thể nhận định rằng đây là giải pháp căn cơ để đẩy nhanh và đạt được hiệu quả cao trong quản trị DN của quá trình cổ phần hoá, bán vốn.

 
04 thay đổi lớn về chính sách BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018
Trả lời

Mặc dù, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016; Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 124 về Hiệu lực thi hành thì các quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; Điều này kéo theo nhiều quy định của các Văn bản dưới Luật liên quan cũng sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2018, cụ thể như sau:

Thứ nhất, căn cứ Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH 2014 thì ngoài các đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành thì kể từ ngày 01/01/2018 các đối tượng sau đây cũng phải tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì Người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng sẽ thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.

Thứ hai, căn cứ vào khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTB-XH thì kể từ ngày 01/01/2018 tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi, cụ thể: 
Hiện nay, phương pháp tính tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTB-XH. Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ là tổng mức lương và phụ cấp lương. 
Phương pháp tính này sẽ được thay đổi kể từ ngày 01/01/2018. Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTB-XH thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tổng mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó: Khoản bổ sung phải xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:


2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.”

Thứ ba, phạt đến 07 năm tù với người có nghĩa vụ nhưng không đóng BHXH cho người lao động 
Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung tội phạm quy định liên quan đến hành vi nêu trên, cụ thể như sau:
“Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.”

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật hình sự 2015) có hiệu lực, người nào có nghĩa vụ mà không thực hiện đóng BHXH cho người lao động sẽ có thể bị phạt tù đến 07 năm.

Thứ tư, tăng số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa
Theo quy định tại Luật BHXH 2014 thì mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức tiền lương bình quân tháng đóng BHXH.
Dưới đây là bảng so sánh quy định về số năm người lao động phải đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa nêu trên dựa trên quy định tại Khoản 1, 2 Điều 56 Luật BHXH 2014:

                                          Hiện nay                                          Từ 01/01/2018
Lao động nữ       Từ đủ 25 năm đóng BHXH         Từ đủ 30 năm đóng BHXH
Lao động nam     Từ đủ 30 năm BHXH trở lên     Từ đủ 31 năm đóng BHXH (nếu nghỉ hưu vào năm 2018)
                                                                                          Từ đủ 32 năm đóng BHXH (nếu nghỉ hưu vào năm 2019)
                                                                                          Từ đủ 33 năm đóng BHXH (nếu nghỉ hưu vào năm 2020)
                                                                                          Từ đủ 34 năm đóng BHXH (nếu nghỉ hưu vào năm 2021)
                                                                                          Từ đủ 35 năm đóng BHXH (nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi)

 

Nên hiểu thế nào về “Hội nhập kinh tế quốc tế”?
Trả lời
Song song với công cuộc đổi mới bên trong, nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế theo các thang bậc: Từ hẹp đến rộng về đối tác và lĩnh vực cam kết, từ thấp tới cao về mức độ cam kết. Trên thực tế, nước ta trước hết đã hội nhập vào Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), tiếp đến là các diễn đàn Á – Âu (ASEM), châu Á – Thái Bình Dương (APEC) rồi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là tổ chức toàn cầu. Ngày nay nước ta tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận về FTA rộng hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn với EU, Liên minh Á – Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA)…
Như vậy là nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế tròn hai mươi năm. Ấy vậy mà trong dư luận xã hội vẫn tồn tại nhiều tâm tư lạc quan quá mức, tưởng như nhờ hội nhập nước ta sẽ sớm hóa rồng – Hoặc băn khoăn, lo lắng thái quá, coi như nước ta lụn bại tới nơi. Bên cạnh đó, những công việc chuẩn bị cụ thể để đón lấy cơ hội và ứng phó với thách thức lại khá thiếu vắng.
Vì vậy, nên chăng trở lại vài khái niệm gốc?
Một là, nên hiểu hội nhập kinh tế quốc tế là gì?
Phải chăng đó là gắn kết nước mình vào các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế trên cơ sở các luật chơi chung? Về đại thể, đó là các quy định nhằm tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư như: Giảm thiểu rồi đi tới bãi bỏ các quy định hành chính phi quan thuế; giảm thiểu và đi tới xóa bỏ hàng rào quan thuế; mở cửa thị trường với mức độ và lộ trình khác nhau; hình thành sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; xóa bỏ bao cấp đối với hoạt động kinh doanh có liên quan tới thị trường bên ngoài; áp dụng những quy định chung về mua sắm chính phủ, hải quan, bảo vệ tài sản trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái, lao động, các quy định về tự vệ, chống bán phá giá…
Hai là, tại sao phải hội nhập?
Lịch sử toàn thế giới cho thấy nước nào đóng cửa thì không phát triển được vì không có “cầu” thì “cung” sẽ teo tóp; không tiếp thu được các nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ…thì sẽ chìm trong tình trạng lạc hậu. Chẳng thế mà các nước mạnh hay áp dụng thủ đoạn bao vây, cấm vận để bóp nghẹt các nền kinh tế mà họ không ưa. Dưới tác động của nhu cầu phát triển, xu thế quốc tế hóa rồi toàn cầu hóa nẩy sinh, lan tỏa, lôi cuốn các quốc gia vào dòng chảy toàn cầu, nhờ vậy dòng hàng hóa, vốn đầu tư, dịch vụ, thông tin, lao động, phương tiện vận tải lan tỏa ra toàn thế giới. Xuất phát từ nhu cầu phát triển và nhận thức được những xu thế, quy luật khách quan đó nên nước ta đã chủ trương hội nhập.
Ba là, vị trí của hội nhập trong sự phát triển của đất nước ra sao?
Như trên đã nói, hội nhập là đòi hỏi khách quan nên nó là điều kiện cần nhưng chưa đủ; tiền đề có ý nghĩa quyết định là nội lực. Nói cho cùng, thắng bại tùy thuộc vào huấn luyện viên (Nhà nước) và cầu thủ (người sản xuất kinh doanh) giỏi hay kém. Chữ “giỏi” ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng: Cả phần cứng (cơ cấu kinh tế) lẫn phần mềm (thể chế và tài điều hành, kinh doanh).
Có người nói: “Khả năng cạnh tranh của đất nước và những người sản xuất kinh doanh còn kém thì hội nhập thua là cái chắc”. Để giải đáp cho câu hỏi này có lẽ nên đặt câu hỏi ngược lại: Nếu cứ bảo hộ thật chặt, không chấp nhận cạnh tranh thông qua hội nhập thì liệu mình có lớn lên được không? Trên đời, nhất là trên thương trường, không có cái gì chỉ đem lại mối lợi mà không đặt ra thách thức cả; trong hội nhập có thể ngành hàng này được lợi nhiều, ngành hàng khác chịu thua thiệt và phải tự đổi mới mình; mọi cam kết đều là có đi có lại, mình được mối lợi này thì phải chia sẻ mối lợi kia.
Bốn là, vậy điều kiện cần có khi hội nhập là gì?
Điều trước tiên là sự hiểu biết: Hiểu biết nội dung các thỏa thuận, tức luật chơi (mức độ, điều kiện, lộ trình…), hiểu biết nhu cầu của thế giới, hiểu biết đối tác, hiểu biết tình hình và xu thế kinh tế thế giới, hiểu biết luật lệ của nước mình… Điều thứ hai là dựa trên các kiến thức ấy để hoạch định chiến lược kinh doanh của mình, phát huy thế mạnh, hóa giải những mặt yếu. Điều thứ ba là Nhà nước và các hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cung cách làm ăn và đặc biệt là Nhà nước cần tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất có thể để họ làm ăn, áp dụng nhưng biện pháp thích hợp, không trái với cam kết quốc tế để bảo vệ họ.
                                                                                                                                                         Theo: Vũ Khoan