Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
- 01 / 04 / 2018 -
Xây dựng mô hình pháp luật về lao động phù hợp ở Việt Nam

Từ ngày Bộ luật Lao động (BLLĐ) có hiệu lực đến nay (01/01/1995), một môi trường pháp lý mới về lao động đã được thiết lập. Hệ thống các văn bản pháp luật lao động ngày càng được bổ sung, hoàn thiện đã góp phần quan trọng vào việc định hướng chính sách, hướng dẫn hành động và từng bước thiết lập kỷ cương trên thị trường lao động cũng như trong hoạt động quản lý nhân lực, đồng thời là những căn cứ pháp lý chủ yếu để áp dụng giải quyết các tranh chấp lao động, những phát sinh trong quá trình lao động…

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật về lao động, có thể thấy rằng, BLLĐ cũng như nhiều bộ luật khác là sản phẩm của quan niệm truyền thống coi pháp điển hóa là một hoạt động lập pháp với kết quả cuối cùng là một VBQPPL mới được ban hành có mức độ tổng hợp, khái quát cao thường được gọi là các Bộ luật. Đây đã từng trở thành một xu hướng ở nước ta trong thập niên cuối của thế kỷ trước. Việc pháp điển nhiều quy phạm riêng lẻ, lộn xộn trong nhiều văn bản quy phạm có giá trị pháp lý thấp vào một đạo luật của Quốc hội, đặc biệt lại là một Bộ luật với những phần, chương, mục đồ sộ nhằm mục đích xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất, khoa học và ổn định. Về phương án lựa chọn ban hành bộ luật hay đạo luật chuyên ngành, qua nghiên cứu thấy rằng, chúng ta không thể phủ nhận giá trị lớn mà BLLĐ đem lại trong việc tạo ra một hệ thống các khái niệm, thuật ngữ, những nguyên tắc chung trong QHLĐ mang tính thống nhất, ổn định và là tiêu chuẩn cho tất cả các đạo luật chuyên ngành về QHLĐ. Đồng thời, cũng thấy rõ việc ban hành các luật chuyên ngành về từng lĩnh vực của QHLĐ lại đáp ứng được yêu cầu về tính chuyên sâu, điều chỉnh cụ thể, chi tiết, tránh tình trạng luật khung, luật ống, tốn kém thời gian cho việc xây dựng, dự thảo như Bộ luật đồ sộ. Nghĩa là dù tồn tại dưới hình thức Bộ luật hay luật, thì những VBQPPL này đều có giá trị nhất định đối với việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về lao động.

Hiện nay, việc tiếp tục kết hợp Bộ luật tổng hợp với các đạo luật chuyên ngành đang là cần thiết. Bởi lẽ, với vai trò là một Bộ luật chung, BLLĐ sẽ thiết lập và duy trì một hệ thống khái niệm, thuật ngữ, những nguyên tắc chung đặt nền móng cho việc xây dựng các đạo luật chuyên ngành trong trường hợp cần thiết. Các đạo luật chuyên ngành được xây dựng đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trên cơ sở những giá trị chung nhất mà BLLĐ đã khẳng định, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về lao động, đồng thời mỗi đạo luật chuyên ngành cũng có thể được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, cụ thể, chi tiết hơn mà không phải nhắc lại, dẫn chiếu lại những nội dung đã được quy định trong BLLĐ. Để rút ngắn quá trình xây dựng văn bản luật, có thể xem xét áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật đối với những nội dung có liên quan chặt chẽ đến nhau thuộc các văn bản luật khác nhau mà việc sửa đổi nội dung này sẽ dẫn đến thay đổi nội dung tương ứng ở văn bản khác. Vì vậy, chúng tôi tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi cơ bản BLLĐ hiện hành nhằm điều chỉnh các nội dung chung pháp luật về lao động và QHLĐ, đồng thời nghiên cứu xem xét khả năng ban hành một số đạo luật chuyên ngành để quy định chuyên sâu một số vấn đề như tiền lương, việc làm, vệ sinh, an toàn lao động… Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản này phải phù hợp với xu thế chung là cần phải quy định chi tiết, cụ thể tối đa; giảm dần việc ban hành thông tư, nghị định.

Về dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng mô hình Bộ pháp điển về từng lĩnh vực như đã được xác định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Khác với quan niệm truyền thống coi pháp điển hóa là một hoạt động lập pháp với kết quả cuối cùng là một VBQPPL mới được ban hành có mức độ tổng hợp, khái quát cao thường được gọi là các Bộ luật, luật như đã nêu ở trên, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã đặt nền móng cho một quan niệm pháp điển hóa tiếp cận hoàn toàn dưới góc độ kỹ thuật, coi pháp điển hóa không phải là việc xây dựng những bộ luật lớn mà chính là việc thu thập, tổ chức, công bố, cập nhật liên tục toàn bộ các QPPL đang có hiệu lực thi hành trong một Bộ pháp điển được sắp xếp theo chủ đề. Trên cơ sở đó, các cơ quan có trách nhiệm ở nước ta đã tiến hành thí điểm Bộ pháp điển về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Bộ pháp điển về quyền sở hữu trí tuệ. Theo một số chuyên gia, phương pháp tiếp cận pháp điển hóa dưới góc độ kỹ thuật sẽ giúp giải quyết một số vấn đề như: Ít tốn kém cả về thời gian, công sức và tiền của so với việc xây dựng các bộ luật lớn; Có tính khả thi so với mặt bằng trình độ làm luật chung ở thời điểm hiện nay vì ít đòi hỏi sự can thiệp, chỉ đạo của các cơ quan làm chính sách; Bảo đảm tính linh hoạt, dễ cập nhập và nhanh chóng thích nghi, phù hợp với điều kiện hạ tầng xã hội vẫn đang biến chuyển liên tục như hiện nay.