Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
- 01 / 04 / 2018 -
Nên hiểu thế nào về “Hội nhập kinh tế quốc tế”?
Song song với công cuộc đổi mới bên trong, nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế theo các thang bậc: Từ hẹp đến rộng về đối tác và lĩnh vực cam kết, từ thấp tới cao về mức độ cam kết. Trên thực tế, nước ta trước hết đã hội nhập vào Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), tiếp đến là các diễn đàn Á – Âu (ASEM), châu Á – Thái Bình Dương (APEC) rồi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là tổ chức toàn cầu. Ngày nay nước ta tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận về FTA rộng hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn với EU, Liên minh Á – Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA)…
Như vậy là nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế tròn hai mươi năm. Ấy vậy mà trong dư luận xã hội vẫn tồn tại nhiều tâm tư lạc quan quá mức, tưởng như nhờ hội nhập nước ta sẽ sớm hóa rồng – Hoặc băn khoăn, lo lắng thái quá, coi như nước ta lụn bại tới nơi. Bên cạnh đó, những công việc chuẩn bị cụ thể để đón lấy cơ hội và ứng phó với thách thức lại khá thiếu vắng.
Vì vậy, nên chăng trở lại vài khái niệm gốc?
Một là, nên hiểu hội nhập kinh tế quốc tế là gì?
Phải chăng đó là gắn kết nước mình vào các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế trên cơ sở các luật chơi chung? Về đại thể, đó là các quy định nhằm tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư như: Giảm thiểu rồi đi tới bãi bỏ các quy định hành chính phi quan thuế; giảm thiểu và đi tới xóa bỏ hàng rào quan thuế; mở cửa thị trường với mức độ và lộ trình khác nhau; hình thành sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; xóa bỏ bao cấp đối với hoạt động kinh doanh có liên quan tới thị trường bên ngoài; áp dụng những quy định chung về mua sắm chính phủ, hải quan, bảo vệ tài sản trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái, lao động, các quy định về tự vệ, chống bán phá giá…
Hai là, tại sao phải hội nhập?
Lịch sử toàn thế giới cho thấy nước nào đóng cửa thì không phát triển được vì không có “cầu” thì “cung” sẽ teo tóp; không tiếp thu được các nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ…thì sẽ chìm trong tình trạng lạc hậu. Chẳng thế mà các nước mạnh hay áp dụng thủ đoạn bao vây, cấm vận để bóp nghẹt các nền kinh tế mà họ không ưa. Dưới tác động của nhu cầu phát triển, xu thế quốc tế hóa rồi toàn cầu hóa nẩy sinh, lan tỏa, lôi cuốn các quốc gia vào dòng chảy toàn cầu, nhờ vậy dòng hàng hóa, vốn đầu tư, dịch vụ, thông tin, lao động, phương tiện vận tải lan tỏa ra toàn thế giới. Xuất phát từ nhu cầu phát triển và nhận thức được những xu thế, quy luật khách quan đó nên nước ta đã chủ trương hội nhập.
Ba là, vị trí của hội nhập trong sự phát triển của đất nước ra sao?
Như trên đã nói, hội nhập là đòi hỏi khách quan nên nó là điều kiện cần nhưng chưa đủ; tiền đề có ý nghĩa quyết định là nội lực. Nói cho cùng, thắng bại tùy thuộc vào huấn luyện viên (Nhà nước) và cầu thủ (người sản xuất kinh doanh) giỏi hay kém. Chữ “giỏi” ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng: Cả phần cứng (cơ cấu kinh tế) lẫn phần mềm (thể chế và tài điều hành, kinh doanh).
Có người nói: “Khả năng cạnh tranh của đất nước và những người sản xuất kinh doanh còn kém thì hội nhập thua là cái chắc”. Để giải đáp cho câu hỏi này có lẽ nên đặt câu hỏi ngược lại: Nếu cứ bảo hộ thật chặt, không chấp nhận cạnh tranh thông qua hội nhập thì liệu mình có lớn lên được không? Trên đời, nhất là trên thương trường, không có cái gì chỉ đem lại mối lợi mà không đặt ra thách thức cả; trong hội nhập có thể ngành hàng này được lợi nhiều, ngành hàng khác chịu thua thiệt và phải tự đổi mới mình; mọi cam kết đều là có đi có lại, mình được mối lợi này thì phải chia sẻ mối lợi kia.
Bốn là, vậy điều kiện cần có khi hội nhập là gì?
Điều trước tiên là sự hiểu biết: Hiểu biết nội dung các thỏa thuận, tức luật chơi (mức độ, điều kiện, lộ trình…), hiểu biết nhu cầu của thế giới, hiểu biết đối tác, hiểu biết tình hình và xu thế kinh tế thế giới, hiểu biết luật lệ của nước mình… Điều thứ hai là dựa trên các kiến thức ấy để hoạch định chiến lược kinh doanh của mình, phát huy thế mạnh, hóa giải những mặt yếu. Điều thứ ba là Nhà nước và các hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cung cách làm ăn và đặc biệt là Nhà nước cần tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất có thể để họ làm ăn, áp dụng nhưng biện pháp thích hợp, không trái với cam kết quốc tế để bảo vệ họ.
                                                                                                                                                         Theo: Vũ Khoan