Ngày 27/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2017/NĐ-CP quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2018 – 2022. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
Theo Nghị định số 159/2017/NĐ-CP, các đối tượng áp dụng của biểu thuế ưu đãi bao gồm:
– Người nộp thế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
– Cơ quan hải quan, công chức hải quan;
– Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 159/2017/NĐ-CP quy định từng mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa theo 05 giai đoạn sau:
– Giai đoạn 1: Từ 01/01/2018 – 30/12/2018;
– Giai đoạn 2: Từ 31/12/2018 – 31/12/2019;
– Giai đoạn 3: Từ 01/01/2020 – 31/12/2020;
– Giai đoạn 4: Từ 01/01/2021 – 30/12/2021;
– Giai đoạn 5: Từ 31/12/2021 – 30/12/2022;
Ngoài ra, điều kiện để hàng hóa được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cũng được quy định như sau:
– Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt được ban hành kèm Nghị định này;
– Là hàng hóa được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Ấn Độ, bao gồm 9 quốc gia (còn lại) trong khu vực ASEAN và Ấn Độ.
– Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu 9 quốc gia (còn lại) trong khu vực ASEAN và Ấn Độ vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định.
– Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AJ theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 159/2017/NĐ-CP sẽ thay thế Nghị định số 126/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2016 – 2018.