Ngày 30/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2018/NĐ-CP quy định về cho vay lại vốn ODA (nguồn vốn hỗ trợ chính thức – Official Development Assistance), vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP quy định về tỷ lệ vay lại vốn ODA, vay ưu đãi như sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên;
– Tỷ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%;
– Tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%;
– Tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi cho địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh);
– Tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
– Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho từng thời kỳ ổn định ngân sách trước ngày 01 tháng 01 năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập:
– Tỷ lệ vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư;
– Tỷ lệ vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư.
3. Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bằng những quy định cụ thể về tỷ lệ cho vay đối với từng nhóm đối tượng, Nghị định 97/2018/NĐ-CP được đánh giá là cơ sở để các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện thủ tục vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi, từ đó giảm bớt các vấn đề tiêu cực phát sinh trong việc cho phân bổ các nguồn vay ưu đãi tại địa phương.