Ngày 30/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định về một loại trái phiếu mới có tên gọi là trái phiếu xanh như sau:
1. Về định nghĩa: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.
2. Về trách nhiệm xây dựng: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Nội dung của đề án bao gồm:
– Mục đích phát hành;
– Khối lượng phát hành;
– Điều kiện, điều khoản của trái phiếu;
– Đối tượng mua trái phiếu;
– Phương thức phát hành;
– Việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch;
– Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.
3. Về quy trình phát hành và giao dịch: Tương tự như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu xanh cũng được phát hành và giao dịch thông qua ba hình thức chủ yếu sau:
– Đấu thầu phát hành trái phiếu
– Bảo lãnh phát hành trái phiếu
– Phát hành riêng lẻ trái phiếu
– Giao dịch trái phiếu trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức mua bán thông thường, mua bán lại và bán kết hợp mua lại, và các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Bằng các quy định chi tiết và cụ thể, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch trái phiếu xanh – một loại hình trái phiếu mới đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường, qua đó nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.