Ngày 12/06/2018, Quốc hội ban hành Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 với nhiều điểm mới so với Luật cạnh tranh năm 2004. Luật cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, Luật cạnh tranh năm 2018 có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:
1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa vào các yếu tố như: Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ; giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu; gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận…
2. Thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: 05 năm kể từ ngày có quyết định hưởng miễn trừ.
3. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố như: Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, Luật cạnh tranh năm 2018 đã quy định rõ các yếu tố là cơ sở để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động cạnh tranh, đánh giá tích cực của việc tập trung kinh tế, đồng thời đây cũng là văn bản quy định rõ ràng về thời hạn được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.