Ngày 25/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định số 147/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung nổi bật như sau:
Một là, quy định cụ thể về Người đại diện phần vốn của SCIC tại doanh nghiệp khác là người được SCIC cử, ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của SCIC đối với một phần hoặc toàn bộ phần vốn của SCIC tại doanh nghiệp khác, bao gồm cả người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử làm đại diện và được SCIC kế thừa, ủy quyền tiếp tục làm người đại diện khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Người đại diện).
Hai là, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức của SCIC. Theo đó Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của SCIC sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC.
Ba là, bổ sung hai đối tượng không thuộc trường hợp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm: Công ty nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện phương án sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xổ số kiến thiết và một số doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước
Bốn là, quy định cụ thể thời gian thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp cho SCIC.
Năm là, việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bán vốn.
Sáu là, quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư của SCIC, bao gồm:
– Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án do SCIC thực hiện đầu tư nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 31 Luật đầu tư.
– Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án do SCIC thực hiện đầu tư nêu tại khoản 2 Điều 54 Luật đầu tư.
– Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định chủ trương đầu tư đối với từng dự án do SCIC thực hiện đầu tư có quy mô vốn đầu tư trên 25% vốn chủ sở hữu; phê duyệt chủ trương dự án đầu tư ra nước ngoài theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư.
– Hội đồng thành viên quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc SCIC quyết định từng dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư không quá 25% vốn chủ sở hữu; quyết định các dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Bảy là, bổ sung quy định về phân phối lợi nhuận như sau:
– Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển của SCIC;
– Trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên SCIC theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định thì SCIC được giảm trừ phần lợi nhuận trích lập Quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo mức quy định, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào Quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính;
– Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của SCIC (Đầu tư phát triển; khen thưởng, phúc lợi; thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên; thưởng thành tích bán vốn) quy định tại khoản này được nộp về ngân sách nhà nước.
Tám là, quy định các trường hợp SCIC không được đầu tư gồm: Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Tổng công ty; góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các quy định của Nghị định số 147/2017/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.