Ngày 15/12/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, quy định chi tiết về việc liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (sau đây gọi là “liên kết đào tạo”) bao gồm: đối tượng, hình thức liên kết đào tạo, tổ chức liên kết đào tạo, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 29/01/2018.
Theo quy định này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong đó, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng…
Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành.
Việc tổ chức liên kết đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu như: Ngành, nghề đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, của doanh nghiệp; Đảm bảo yêu cầu về chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.Khi tham gia liên kết đào tạo, các bên tham gia liên kết đào tạo được thống nhất mức thu lệ phí, tuyển sinh, học phí, thù lao cho người học trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp theo quy định.
Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBĐT ban hành nhằm khắc phục những bất hợp lý trong quy định về liên kết đào tạo trước đây mở ra một bước đi mới cho các cơ sở đào tạo từ xa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của hình thức liên kết đào tạo, tiếp cận chất lượng của hình thức đào tạo chính quy.