So với quy định cũ, Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, chặt chẽ hơn về các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể cấp phép cho tàu cá được khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.
Với lợi thế đường biển dài cùng nguồn thủy hải sản phong phú, đánh bắt và khai thác thủy sản là một trong những ngành nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định tại Việt Nam. Không dừng lại ở lãnh hải trong nước, ngư dân đang hướng tới việc khai thác, đánh bắt ở ngoài vùng biển Việt Nam. Bởi vậy, việc đưa ra các điều kiện chặt chẽ để tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam là rất cần thiết.
Ngày 04/4/2024, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được ban hành, trong đó nội dung về việc điều chỉnh, bổ sung điều kiện tàu cá được hoạt động, khai thác ngoài vùng biển Việt Nam là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Cụ thể, khoản 23, Điều 1 Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định về các điều kiện tàu cá cần đáp ứng như sau:
Thứ nhất, Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền thông tin, dữ liệu qua hệ thống thông tin vệ tinh, không thuộc danh sách tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp;
Thứ hai, Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi chọn số và thu trực canh (DSC) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB);
Thứ ba, Tàu cá cần có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) theo quy định trong trường hợp tàu cá đi khai thác tại vùng biển thuộc quyền của quản lý của tổ chức nghề cá khu vực hoặc tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác có yêu cầu;
Thứ tư, cần có giám sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển;
Thứ năm, Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế do Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý
So với quy định tại Điều 46 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 37 đã có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn so với trước đây về điều kiện tàu cá được hoạt động, khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để kiểm soát các tàu cá hoạt động ngoài lãnh hải Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2024.
Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!