Ngày 26/09/2019, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019 quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/09/2019.
Theo đó, trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định về đối tượng công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản là việc tuân theo pháp luật của người tiến hành thủ tục phá sản (trừ Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên), người tham gia thủ tục phá sản trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật.
Tại Quy chế này cũng quy định về phạm vi công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản bắt đầu từ khi:
Viện kiểm sát nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn (nếu có); hoặc
Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định giải quyết phá sản của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kiến nghị, kháng nghị, đề nghị xem xét lại.
Trong trường hợp kiểm sát việc giải quyết phá sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì việc kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
Khi nhận được Thông báo thụ lý đơn, công chức phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Công chức kiểm sát thời hạn gửi, đối tượng được gửi thông báo thụ lý đơn; tư cách pháp lý của người nộp đơn; thẩm quyền, thủ tục thụ lý đơn.
Nếu phát hiện có vi phạm thì tập hợp và báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết phá sản của Viện kiểm sát bao gồm các hoạt động: Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Kiểm sát việc giải quyết phá sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; Kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và nhiều các hoạt động khác theo quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Những quy định về kiểm sát việc giải quyết phá sản nhằm mục đích kiểm soát hoạt động này theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và có hiệu quả để hỗ trợ Tòa án giải quyết vụ việc phá sản.