Quyền của người lao động được coi là một trong những quyền cơ bản nhất trong phạm trù quyền con người mà các quốc gia trong đó có Việt Nam đã ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế nói chung và trong hệ thống pháp luật của từng nước nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã phù hợp với quy định của nhiều Điều ước quốc tế về quyền của người lao động. Các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước tới nay, Bộ luật Lao động cùng các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật liên quan đều ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và các quyền cơ bản khác của người lao động, chẳng hạn như: Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 quy định rằng: “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Cũng theo quy định của pháp luật thì người lao động là người đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động. Thời gian làm việc của người lao động không quá 8 giờ trong một ngày, 48 giờ trong một tuần. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày và 200 giờ làm việc trong một năm. Để đảm bảo quyền của người lao động cũng như quyền của người sử dụng lao động, pháp luật cũng có các quy định về điều kiện lao động, chế độ tiền lương… Người lao động được trả lương theo thỏa thuận được ghi trong Hợp đồng lao động, mức lương mà người lao động được hưởng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định trong từng thời điểm cụ thể. Ngoài ra, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ và lương của thời gian làm thêm giờ ít nhất bằng 150% của giờ làm việc trong ngày bình thường. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có quy định xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, chẳng hạn như tội sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162); Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực lao động (Điều 165); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295); Tội cưỡng bức lao động (Điều 297)… Những quy định này góp phần tăng cường, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động tại Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế về quyền của người lao động.
Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Để tương thích với các tiêu chuẩn của ILO cũng như để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người lao động, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện luật pháp và các cơ chế liên quan như: áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc; cấm phân biệt đối xử về mọi khía cạnh của việc làm và nghề nghiệp; bảo đảm quyền tiếp cận việc làm bình đẳng của phụ nữ, bãi bỏ quy định cấm phụ nữ tham gia vào một số ngành nghề, công việc cụ thể…
Tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức của người lao động phải bảo đảm theo đúng các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế là để đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp mà họ làm việc thông qua các hình thức tương tác được quy định trong pháp luật bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động. Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.