Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật quốc tịch Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20/03/2020.
Theo đó, việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam được hướng dẫn tại Điều 3, Nghị định 16/2020/NĐ-CP với nội dung chính như sau:
Về cơ quan tiếp nhận:
Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định này, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ, bao gồm: Sở Tư pháp cấp tỉnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất (trường hợp không có Cơ quan đại diện).
Yêu cầu pháp lý về hồ sơ:
Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ phải nộp là bản sao thì người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch có thể nộp giấy tờ là bản chụp từ bản chính, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc. Nếu nộp bản chụp từ bản chính thì phải có bản chính để đối chiếu; người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và ký xác nhận đã đối chiếu.
Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì bản sao giấy tờ phải được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc; Đơn, Tờ khai, Bản khai lý lịch phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.
Xử lý hồ sơ
Người thụ lý hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ thụ lý và cấp Phiếu thụ lý hồ sơ theo mẫu quy định cho người nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì người thụ lý hồ sơ gửi Phiếu thụ lý cho người nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
Trả kết quả:
Kết quả giải quyết các việc về quốc tịch được trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính cho người yêu cầu. Người yêu cầu trả kết quả qua hệ thống bưu chính phải nộp chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính.
Việc ban hành Nghị định 16/2020/NĐ-CP đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các thủ tục liên quan đến quốc tịch Việt Nam được thực hiện một cách đúng đắn và thống nhất. Đồng thời, Nghị định giúp người dân có thể nắm bắt được trình tự thực hiện, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính.