Ngày 07/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2018 thay thế cho Nghị định số 153/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp theo hợp đồng lao động theo quy định như sau:
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I áp dụng mức 3.980.000 đồng/tháng, tăng 230.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II áp dụng mức 3.530.000 đồng/tháng tăng 210.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III áp dụng mức 3.090.000 đồng/tháng, 190.000 đồng/tháng;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV áp dụng mức 2.760.000 đồng/tháng, 180.000 đồng/tháng.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Ngoài ra, Nghị định cũng điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã như sau:
– Đưa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ vùng II lên vùng I;
– Đưa các huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam từ vùng III lên vùng II.
Quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp theo hợp đồng theo quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ, mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang rất thấp, việc tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với yêu cầu kinh tế xã hội ngày càng gia tăng, đồng thời đảm bảo các quyền lợi của người lao động như quyền lợi về bảo hiểm xã hội, lương hưu, trợ cấp …