Ngày 12/06/2017, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14. Qua đó, Nhà nước sẽ quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Theo đó, Luật quản lý Ngoại thương Quy định việc quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
– Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường;
– Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân;
– Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Chính phủ sẽ quy định về:
+ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện;
+ Phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục;
+ Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;
– Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục;
Bên cạnh đó, Luật quản lý Ngoại thương cũng quy định hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau thì bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước; Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Luật này cũng quy định hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp sau: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước; Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật quản lý Ngoại thương sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để quản lý ngoại thương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu. Cùng với đó sẽ bảo đảm được việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương.