Ngày 11/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/08/2013 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018.
Theo đó, Nghị định 142/2017/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Cụ thể, áp dụng mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền thấp nhất là 500 nghìn đồng tới cao nhất là 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm; đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, cảng cạn, công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Ngoài các hình thức xử phạt được quy định trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng theo quy định.
Nghị định 142/2017/NĐ-CP có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.