Ngày 01/02/2018, Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thành trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 18/03/2018.
Theo đó, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội, cụ thể như sau:
1. Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai phải đăng ký để được bố trí phòng chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai làm thủ tục trích xuất theo quy định của pháp luật
2. Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai phải thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;
4. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai nhấn nút bắt đầu và kết thúc khi lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai; trường hợp đang hỏi cung hoặc lấy lời khai mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai;
5. Việc lập biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai người dại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải được bảo quản lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ để đảm bảo an toàn, bí mật. Chỉ khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố, cán bộ chuyên môn mới được sao chép dữ liệu vào thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu để bàn giao cho cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai; chuyển thiết bị khi vụ án, vụ việc phải chuyển để điều tra và được trả lại khi trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, điều tra lại.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP đã quy định cụ thể và chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Những quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện chủ trương công khai, minh bạch trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai nói riêng và hoạt động tố tụng nói chung của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần giảm thiểu tối đa những sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.