Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (“Nghị định 145”). Trong đó có nhiều quy định mới mà Người lao động và Người sử dụng lao động cần quan tâm.
Một trong số đó là quy định về căn cứ tiền lương để thanh toán tiền cho những ngày Người lao động chưa nghỉ phép, cụ thể như sau:
Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ = Căn cứ tiền lương (:) Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề (x) số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết.
– Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật lao động 2012, được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 3, Khoản 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, căn cứ tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép của Người lao động được xác định như sau:
Căn cứ tiền lương:
+ Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên: Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm hoặc trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;
+ Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng: Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
– Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019, được hướng dẫn chi tiết tại Điều 66, Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145, việc tính tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép của Người lao động được xác định như sau:
Căn cứ tiền lương: Là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Trên đây là sự thay đổi về căn cứ tiền lương để thanh toán tiền cho những ngày Người lao động chưa nghỉ phép được quy định tại Nghị định 145. Nghị định 145 có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!