Ngày 12/03/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 04/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 04/2018/TT-NHNN đưa ra một số điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Bố sung thêm 04 biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng, bao gồm:
– Khuyến nghị, cảnh báo;
– Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Áp dụng can thiệp sớm;
– Kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định cụ thể về thẩm quyền áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng, cụ thể là:
– Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng;
– Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng;
– Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn.
3. Quy định về theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng áp dụng can thiệp sớm.
Như vậy, bằng những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, Thông tư số 04/2018/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời của hoạt động này, đồng thời không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng bị giám sát.