Ngày 05/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1685/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, mục tiêu cơ cấu lại ngành Du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đề án phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành Du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Ngoài ra, Quyết định này cũng hướng dẫn chi tiết về các giải pháp thực hiện đề án, cụ thể:
Về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch: Đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng tàu du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; triển khai mởi đường bay quốc tế; Tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử.
Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hướng tới trình độ của khu vực và quốc tế. Xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây miễn phí tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch: Có chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia.
Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch: Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trong phát triển du lịch. Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Có thể thấy, thông qua việc thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” sẽ góp phần hình thành hệ thống sản phẩm du lịch rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch qua đó từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.