Những nghiên cứu khác nhau cho thấy, hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có những tiêu chí riêng. Để bảo đảm tính tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản dưới luật, pháp lệnh đối với hệ thống pháp luật là vấn đề lớn, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của từng cơ quan cũng như sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan xây dựng, soạn thảo, thẩm định ban hành cho đến cơ quan kiểm tra, giám sát, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Do đó cần phải hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động các chủ thể trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành, giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
1. Tiếp tục đơn giản hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cần thu gọn các loại văn bản chứa quy phạm pháp luật nhằm làm cho hệ thống pháp luật đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật dễ tiếp cận, thuận lợi cho công tác thi hành và áp dụng pháp luật. Việc đơn giản hoá các hình thức văn bản quy phạm pháp luật giúp cho việc phân biệt rõ hơn văn bản quy phạm pháp luật với các loại văn bản pháp luật khác (văn bản điều hành, văn bản áp dụng, văn bản hành chính); đồng thời, tạo điều kiện cho việc xác định rõ trật tự hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với thông lệ lập pháp quốc tế.
2. Hạn chế tình trạng ban hành “luật khung”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định, cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra không ít các trường hợp vẫn quy định theo hướng “luật khung” còn để lại giao cho các cơ quan khác quy định cụ thể. Vì vậy, để tránh tình trạng các văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành trái hoặc mâu thuẫn với văn bản do cơ quan cấp trên thì khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan cấp trên cần cố gắng đưa ra những quy định cụ thể để có thể thi hành được ngay, không cần có các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành.
3. Áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản.
Việc dùng một văn bản để sửa nhiều văn bản là một quy định tiến bộ của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó có thể tiến hành việc sửa đổi nhiều văn bản ngay trong một văn bản thay vì phải sửa đổi lần lượt từng văn bản. Chính vì vậy, với việc áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản cho phép một cơ quan khi sửa đổi một quy định của pháp luật sẽ đồng thời sửa ngay những quy định có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật khác do mình ban hành để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định mới với với hệ thống pháp luật, tránh xảy ra các trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp với các quy định cũ trong hệ thống pháp luật.
4. Nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các hoạt động: Hoạt động tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp dưới;… Hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích phát hiện ra những văn bản quy phạm có nội dung không bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật để kịp thời xử lý xử lý, loại bỏ ra khỏi hệ thống pháp luật.
5. Xây dựng thiết chế tài phán đối với các văn bản quy phạm pháp luật.
Hoạt động giám sát kiểm tra nhằm phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, mâu thuẫn, chồng chéo không đem lại nhiều hiệu quả, kể cả khi phát hiện ra những trường hợp văn bản có dấu hiệu sai trái thì việc xử lý cũng ít khi được thực hiện. Điều đó dẫn đến những quy định sai trái đó vẫn có hiệu lực. Vì vậy cần thiết phải có thiết chế tài phán để xem xét, ra phán quyết đối với các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu không bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Đây là việc làm cần thiết nhằm loại bỏ triệt để những quy định của pháp luật mâu thuẫn chồng chéo tồn tại trong hệ thống pháp luật…