Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 (Sau đây gọi chung và viết tắt là “Luật SĐBS”).
Thông qua bài viết này, hãy cùng Bizlawyer tìm hiểu về những thay đổi cơ bản, tổng quan nhất về Luật SĐBS.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (“Luật XLVPHC”), góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bố cục của Luật SĐBS:
– Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (có 75 khoản).
– Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).
– Điều 3: Hiệu lực thi hành.
– Tổng số có 66/142 điều được sửa đổi bổ sung so với Luật XPVPHC hiện hành, trong đó:
– Sửa đổi, bổ sung toàn diện: 16 điều;
– Sửa đổi kỹ thuật: 11/142 điều;
– Bổ sung mới: 04 điều;
– Bãi bỏ: 03 điều.
Các quy định mới của Luật SĐBS dự báo sẽ có những tác động như sau:
– Thứ nhất: Đảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi, dễ dàng cho người dân nhận thức chấp hành pháp luật và lực lượng chức năng thực thi công vụ trong thực tiễn.
– Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định của Luật XLVPHC không còn phù hợp.
– Thứ ba: Các quy định cụ thể, rõ ràng chế tài xử lý:
+ Góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Khắc phục được những sai sót trong quá trình áp dụng Luật từ đó góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, tạo niềm tin trong nhân dân.
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
+ Bảo đảm thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính nghiêm túc, thống nhất, chính xác, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã được Hiến pháp quy định.
– Thứ tư: Xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, khách quan, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo của nên kinh tế ở nước ta.
– Thứ năm: Bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, tiến tới các chuẩn mực quốc tế về quyền con người theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, đặc biệt là các quy định về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, các quy định liên quan đến người chưa thành niên vi phạm hành chính.
Nhìn chung, Luật SĐBS được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.
Luật SĐBS sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
* Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Hy vọng thông tin trên hữu ích với Quý bạn đọc.
Bizlawyer hận hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc!