Ngày 12/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29/3/2018.
Theo đó, Thông tư số 20/2018/TT-BTC có một số điểm nổi bật như sau:
1. Quy định về vốn chủ sở hữu của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
– Vốn điều lệ là tổng số vốn do các thành viên góp và được ghi vào điều lệ quỹ tín dụng nhân dân, hạch toán bằng đồng Việt Nam;
– Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản theo quyết định của Nhà nước hoặc các trường hợp đánh giá lại tài sản khác theo quy định của pháp luật;
– Các quỹ bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính;
– Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối; lỗ lũy kế chưa xử lý;
– Vốn khác thuộc sở hữu của quỹ tín dụng nhân dân.
2. Quy định về quản lý và sử dụng vốn, tài sản:
– Việc thực hiện hạch toán vốn, tài sản theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của quỹ.
– Quỹ tín dụng nhân dân được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán của quỹ tín dụng nhân dân.
– Đối với những tài sản đi thuê, nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo quản giữ hộ của khách hàng, quỹ tín dụng nhân dân có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thỏa thuận với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Quy định về doanh thu của quỹ tín dụng nhân dân:
– Các khoản thu của quỹ tín dụng nhân dân phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.
– Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm các khoản thu sau: Thu từ lãi và các khoản thu nhập tương tự; thu nhập từ hoạt động dịch vụ; thu từ hoạt động góp vốn tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và thu từ các hoạt động khác, các khoản thu khác như các khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro, thu từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu từ việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản,…
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý và quỹ tín dụng nhân dân, theo đó, định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7) và hàng năm (trước ngày 31/3 năm kế tiếp) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo quy định.
Thông tư số 20/2018/TT-BTC quy định chi tiết về chế độ tài chính của quỹ tín dụng nhân dân, góp phần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước trước sự đổ bể của một số quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian gần đây, hạn chế rủi ro cho người gửi.