Ngày 05/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC về công tác kiểm sát và giải quyết Đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC quy định công tác kiểm sát và giải quyết Đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cụ thể như sau:
Về công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo:
Đơn vị 12 của Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm phân loại chính xác, xử lý kịp thời các đơn đã tiếp nhận, chuyển ngay đến đơn vị nghiệp vụ khác hoặc thụ lý để giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, không để ảnh hưởng thời hạn giải quyết; đồng thời, quản lý, đôn đốc việc giải quyết.
Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, Đơn vị 12 phải căn cứ các quy định về thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Chương XXXIII để phân loại đơn đảm bảo chính xác, xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thực hiện khoản 2 Điều 469, khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì xử lý, giải quyết theo quy định tại các Chương tương ứng. Do đó, khi nhận được khiếu nại đối với các quyết định này, Đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành quyết định đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp:
Trường hợp khiếu nại, tố cáo về vụ việc có oan, sai, phức tạp, kéo dài; do các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, cơ quan giám sát yêu cầu xem xét, giải quyết hoặc vụ việc khiếu nại, tố cáo dư luận quan tâm thì lãnh đạo Viện kiểm sát có thẩm quyền phải trực tiếp xem xét, chỉ đạo giải quyết, tham gia đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại. Nếu Viện trưởng không trực tiếp phụ trách thì Phó Viện trưởng phụ trách phải báo cáo với Viện trưởng để có quan điểm giải quyết chính thức của Viện kiểm sát cấp mình khi ban hành quyết định, kết luận giải quyết.
Trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết cần báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp về lĩnh vực liên quan để được chỉ đạo giải quyết, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
Quá trình phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, đơn vị chủ trì phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm rõ nội dung vụ việc, thực hiện theo quy trình, có quan điểm đánh giá về nội dung khiếu nại, tố cáo trong văn bản gửi đơn vị phối hợp, đảm bảo việc giải quyết được khách quan, đúng pháp luật và quy định của Ngành.
Mặt khác, Công tác kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật cũng được ghi nhận một cách chi tiết, theo đó: Đối với đơn đề nghị kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện xem xét theo Điều 14 Quy chế số 51, Đơn vị 12 thuộc Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện phụ trách về việc thụ lý; chủ động nghiên cứu hồ sơ, phối hợp thực hiện quy trình kiểm tra, có quan điểm độc lập đánh giá, trao đổi với đơn vị nghiệp vụ liên quan báo cáo lãnh đạo để có quan điểm kết luận thống nhất của Viện kiểm sát cấp mình.
Hướng dẫn Số 04/HD-VKSTC là một bước tiến mang tính đột phá và rất cần thiết đối với lĩnh vực tư pháp hiện nay, đó sẽ là cơ sở đảm bảo tốt cho sự vận hành, phát huy vai trò của các cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ tốt nhất cho quyền vào lợi ích hợp pháp của công dân.