Ngày 29/12/2017, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 22/2017/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN và chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2018.Theo đó, Thông tư số 22/2017/TT-NHNN đưa ra một số điểm mới nổi bật như sau:
1. Nguyên tắc hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng:
– Thực hiện hạch toán đối ứng và cân đối giữa các tài khoản ngoại tệ và từng loại ngoại tệ.
– Đối với các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ, hạch toán đồng thời các bút toán đối ứng bằng ngoại tệ và bút toán đối ứng bằng đồng Việt Nam.
– Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai Tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.
– Các khoản thu nhập, chi phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam thông qua tài khoản mua bán ngoại tệ để hạch toán vào tài khoản thu nhập, chi phí bằng đồng Việt Nam.
– Cuối tháng, quý, năm khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán quy đổi theo từng loại ngoại tệ, tổ chức tín dụng phải thực hiện quy đổi số dư, doanh số hoạt động của tài khoản ngoại tệ ra đồng Việt Nam để tổng hợp và phản ánh vào bảng cân đối tài khoản hàng tháng bằng đồng Việt Nam
– Các tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được lựa chọn áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế đối với giao dịch ngoại hối và các hợp đồng phái sinh; đồng thời, phải thuyết minh nội dung khác biệt giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, ảnh hưởng của sự khác biệt đó đến thông tin trên báo cáo tài chính.
2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung thuộc hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng
– 7 tài khoản thuộc Mục II – Hệ thống tài khoản kế toán được sửa đổi là 20; 275; 387; 41; 419; 994; 996 và bổ sung 2 tài khoản cấp III là tài khoản 9823 và tài khoản 9833
– Mục III sẽ có các tài khoản được sửa đổi như 20,273, 34, 387, 419, 471, 6312, 911, 994, 996 và bổ sung tài khoản cấp III là 9823, 9833
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng
– Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư số kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo nguyên tắc sau:
+ Đối với TCTD được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản TCTD tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
+ Đối với TCTD không được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
– Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
– Khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, TCTD phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán
– Đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam là đồng Việt Nam.
Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm quy định về nguyên tắc chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam.
Thông tư số 22/2017/TT-NHNN đã đưa ra những quy định tuân thủ theo các quy định về tỷ giá tại Luật Kế toán năm 2015, góp phần đáp ứng yêu cầu kế toán theo quy định mới về chế độ tài chính, cơ chế nghiệp vụ, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc thực tiễn hiện nay.