Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg về việc duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 13/3/2019.
Theo đó, Chương trình hướng đến một số mục tiêu sau:
Đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.
Đến năm 2025, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5% và đến năm 2030, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,0%.
Đảm bảo 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Giảm 5% lượng tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành đến năm 2030.
Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.
Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng có hiệu quả sẽ có tác dụng bảo tồn năng lượng của quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Chương trình tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như đóng góp cho tăng trưởng bền vững của quốc gia.
Việc ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn các nội dung về cho thuê lại lao động, đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, Nghị định cũng là cơ sở pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện khi tham gia vào lĩnh vực cho thuê lại lao động.