Thông tư số 23/2024/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán quy định các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán
Đến nay, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trường hợp doanh nghiệp và kế toán viên chưa tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, cần phải có cơ chế điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời.
Ngày 12/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BTC (“Thông tư số 23”) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán bao gồm các thay đổi nổi bật dưới đây:
Theo đó, kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, thực hiện các hoạt động thuộc các trường hợp: Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng; Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kế toán; Không thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 67 Luật Kế toán 2015.
Thứ hai, kế toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;
Thứ ba, kế toán viên hành nghề vi phạm các trách nhiệm sau: Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán; Không cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán của mình theo yêu cầu của Bộ Tài chính; Không chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của Bộ Tài chính.
Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Quy định về kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo Thông tư này, Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ các dịch vụ sau: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán theo báo cáo tình hình hoạt động hàng năm.
Về hoạt động kiểm tra, đối với doanh nghiệp kế toán có doanh thu từ dịch vụ kế toán trung bình trong 3 năm liền kề từ 20 tỷ đồng/năm trở lên, hoạt động kiểm tra trực tiếp sẽ thực hiện 3 năm/lần. Đối với các đơn vị không thuộc đối tượng trên, hoạt động kiểm tra trực tiếp sẽ được thực hiện ít nhất 5 năm/lần. Việc xác định đối tượng kiểm tra căn cứ vào doanh thu dịch vụ kế toán trung bình/năm trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra.
Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, tổng hợp danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 10 ngày trước ngày bắt đầu cuộc kiểm tra.
Thông tư số 23/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!