- 06 / 10 / 2019 -
Các chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng

Ngày 14/08/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2019.
Theo đó, Nghị định này có quy định nội dung về chi phí của tổng mức đầu tư, cụ thể tại Điều 4 có quy định:
a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng (nếu có); chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác;
b) Chi phí xây dựng gồm chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình xây dựng của dự án; công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cơ cấu chi phí xây dựng gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng;
c) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí quản lý mua sắm thiết bị công trình của nhà thầu; chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ của dự án (nếu có); chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí gia công, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn (nếu có); chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí chạy thử nghiệm thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật; chi phí vận chuyển, bảo hiểm; thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác;
d) Chi phí quản lý dự án gồm các chi phí để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chi phí quản lý dự án gồm chi phí quản lý dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án và chi phí quản lý dự án của nhà đầu tư;
đ) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí tư vấn khảo sát xây dựng, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của Luật Đầu tư công, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật; chi phí thiết kế, chi phí tư vấn giám sát xây dựng công trình và các chi phí tư vấn khác liên quan;
e) Chi phí khác gồm các chi phí cần thiết để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình như chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; chi phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; các khoản phí, lệ phí thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng; chi phí kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư và các chi phí cần thiết khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng không thuộc nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 4 Điều này;
g) Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.
Tóm lại, việc ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước, trong bối cảnh cần có sự rõ ràng, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý ngân sách nhà nước.