Ngày 08/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng tại doanh nghiệp. Thông tư 48/2019/TT-BTC (sau đây gọi tắt là “Thông tư”) có hiệu lực từ ngày 10/10/2019. Thông tư này làm hết hiệu lực 03 Thông tư trước đó là: Thông tư 228/2009/TT-BTC, Thông tư 34/2011/TT-BTC, Thông tư 89/2013/TT-BTC.
Tóm tắt một số điểm mới của Thông tư như sau:
Về việc trích lập dự phòng tổn thất các khoản Đầu tư tài chính:
Doanh nghiệp sẽ không được trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài, chỉ được trích lập rủi ro đối với các khoản đầu tư tài chính trong nước. Cụ thể:
Tại Khoản 4 Điều 3 của Thông tư quy định: “Điều 3. Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng: …4. Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.”
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 của Thông tư quy định: “1. Các khoản đầu tư chứng khoán: a) Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm có đủ các điều kiện sau:- Là chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước mà doanh nghiệp đang đầu tư; – Là chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm giá chứng khoán thực tế trên thị trường thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.”
Về việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi:
Giống như quy định tại các văn bản trước đó, Thông tư vẫn quy định Biên bản đối chiếu công nợ là một trong những chứng từ để chứng minh cho số tiền là nợ chưa trả từ đó có cơ sở để doanh nghiệp trích lập quỹ dự phòng, tuy nhiên Thông tư này có bổ sung thêm: “trong trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);” Đây là điểm mới, tháo gỡ lớn cho các trường hợp con nợ “không chịu” ký Biên bản đối chiếu công nợ với Doanh nghiệp khi mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, liên quan đến việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, Thông tư đã quy định tách riêng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, những doanh nghiệp này sẽ được áp dụng mức trích lập khác so với các doanh nghiệp thông thường.
Về việc trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công trình xây dựng
Bổ sung loại hình “Dịch vụ” công trình xây dựng vào đối tượng được trích lập dự phòng, mà những văn bản trước đây chưa đề cập đến.
Từ những phân tích trên cho thấy Thông tư số 48/2019/TT-BTC đã đem lại những giá trị không hề nhỏ đối với Doanh nghiệp Việt Nam, giúp Doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ được rất nhiều khó khăn trong giải quyết các khoản thu có liên quan trực tiếp đến số thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng, đặc biệt đã có những quy định cụ thể hơn, khả thi hơn đối với quỹ dự phòng cho các khoản nợ phải thu khó đòi. Ngoài ra, Thông tư này cũng đã thống nhất lại toàn bộ những quy định trước đó hiện đang nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau có liên quan đến trích quỹ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp trong việc nắm bắt, hiểu rõ và vận dụng quy định này trên thực tế. Do đó, Thông tư này là cơ sở vững chắc để nhiều Doanh nghiệp có thể hạn chế được rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận trong quá trình kinh doanh của mình.