Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi. Đến ngày 20/06/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự. Sau đây là một số điểm mới nổi bật của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
BLHS 2015 đã bổ sung thêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân được dựa trên dấu hiệu hành vi của cá nhân như: Việc thực hiện hành vi phạm tội mang danh nghĩa của pháp nhân, mang lại lợi ích cho pháp nhân, thực hiện theo sự chỉ đạo hay chấp thuận của pháp nhân…
Bên cạnh đó, BLHS 2015 cũng quy định các biện pháp chế tài cụ thể để áp dụng cho pháp nhân, đồng thời còn quy định chặt chẽ về việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Tổng số tội pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự là 33 tội danh
2. Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù và giảm hình phạt tử hình
BLHS năm 2015 đã xác định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ quyết định áp dụng một hình phạt không mang tính giam giữ đối với người phạm tội (cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ).
3. Bổ sung chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội danh trong đó có cả tội ít nghiêm trọng (Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác). Để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đối với người ở độ tuổi này; đồng thời phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bổ sung thêm 3 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thay đổi quá trình xử lý đối với người dưới 18 tuổi là trong quá trình cân nhắc xử lý trước tiên Tòa án phải xét xem đối tượng này có thể áp dụng các biện pháp giáo dục cải tạo, các biện pháp tư pháp hay không, sau đó mới bàn đến việc áp dụng hình phạt.
4. Về không tố giác tội phạm
Bổ sung quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm. Về nguyên tắc, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà mình biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa; trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS. bổ sung chế định tha tù trước thời hạn (Điều 66);
5. Mở rộng căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
Theo quy định của BLHS 2015, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự chia làm 02 loại:
Đương nhiên miễn trách nhiệm hình sự: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội; Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 29 BLHS 2015: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.