Cộng đồng doanh nghiệp đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng. Quá trình này đã tạo ra cơ hội và cũng không ít thách thức, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.’’ Nhiều thách thức đang chờ đợi.
Thách thức hội nhập
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam chỉ ở mức 4,31, xếp hạng 60 trong số 138 quốc gia đánh giá. Chưa so sánh với các khu vực khác trên thế giới, chỉ xét trong khu vực ASEAN cho thấy Việt Nam xếp ở vị trí thấp hơn nhiều khi so với Indonesia (41), Thái Lan xếp (34), Malaysia (25) và Singapore ở vị trí thứ 2. Đáng chú ý, với chỉ số cạnh tranh năm 2016 ở mức 60, Việt Nam đã lùi 4 bậc so với năm 2015.
Việc phân tích thế mạnh và thách thức mà các doanh nghiệp lớn Việt Nam phải đối mặt, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, rất cần thiết, giúp họ nhận thấy những cơ hội và nguy cơ đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những điểm mạnh và điểm yếu nội tại để đưa ra được những chiến lược phù hợp.
Có hàng loạt những thách thức mà các doanh nghiệp phải đương đầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mức độ cạnh tranh quyết liệt hơn, gay gắt hơn với nhiều “đối thủ” mạnh và công cụ, thủ đoạn cạnh tranh cũng đa dạng, phức tạp hơn. Tiếp đó, khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, thách thức về thị trường gay gắt hơn, cùng với đó, những đòi hỏi của thị trường, nhất là ở các nước phát triển, ngày càng chặt chẽ, phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Tiếp đến là những thách thức về công nghệ trong nghiên cứu, phát minh và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm. Hoặc, thị trường biến động rất nhanh, đòi hỏi khả năng thích ứng và linh hoạt của các doanh nghiệp Việt Nam, cùng những biện pháp quản trị rủi ro và phòng ngừa thích hợp.
Chớp cơ hội để phát triển
Bên cạnh những thách thức kể trên, các doanh nghiệp lớn Việt Nam có thể tận dụng được vô số các thuận lợi từ quá trình hội nhập.
Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới, thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp lớn Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường còn nhiều tiềm năng với mức thu nhập cao như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn.
Hội nhập còn giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư thông qua thị trường tài chính, qua đó có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ bên ngoài. Ngoài hình thức vay vốn nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn phát hành trái phiếu công ty, hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh để tiếp cận vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Tiếp đó, các doanh nghiệp lớn Việt Nam có cơ hội tiếp thu kỹ năng quản lý tiên tiến trên thế giới, tiếp cận khoa học – công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong sân chơi lớn toàn cầu.
Để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần nhiều giải pháp, trong đó, nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất – kinh doanh là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung vào khâu sản xuất, gia công, lắp ráp, ít chú trọng tới dịch vụ, dẫn tới giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp. Vì thế, cần chuyển hướng sang khâu nghiên cứu và pháp triển sản phẩm (R&D), marketing và phân phối, phát triển dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lớn Việt Nam cần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, cần nỗ lực nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thông qua đó, cải tiến công nghệ, đào tạo nhân lực, củng cố thương hiệu.
Để hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn cần phải tự mình khắc phục những yếu điểm nội tại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song đó, cần phải khẳng định thêm vai trò của quản lý nhà nước với những chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển hạ tầng… tạo động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp lớn Việt Nam tự tin vươn ra biển lớn.
Theo Baodautu.vn