Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
- 01 / 04 / 2018 -
Doanh nghiệp nhà nước trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới

Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hiện nay, nước ta đã tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đế DNNN tận dụng tốt các cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế, cần có những nghiên cứu, đánh giá hiệu quả hoạt động, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh phát triển mới.

Đóng góp cho nền kinh tế

Nhằm mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, chủ trương đổi mới DNNN của Đảng được đề ra từ Hội nghị Trung ương 3, khóa VI và liên tục được nhấn mạnh tại các kỳ đại hội. Hội nghị Trung ương 3, khóa IX đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 24/9/2001 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; Hội nghị Trung ương 9, khóa IX chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN với mục tiêu “Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) và mở rộng diện các DNNN cần CPH kể cả những DN lớn và một số tổng công ty kinh doanh có hiệu quả…”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ngày 28/1/2016 tiếp tục khẳng định chủ trương tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2016-2020.   

 

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đổi mới DNNN nói chung và nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN này nói riêng. Theo đó, ngày 21/4/1998, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới DNNN; Nghị định 64/2002/NĐ-CP về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 44/1998/NĐ-CP; Quyết định số 50/2002/QĐ-CP về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN… Đặc biệt, ngày 17/07/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.   

 

Về phía Bộ Tài chính, cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tại DN, tổ chức và hoạt động của DN, quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN… đã góp phần hoàn thiện thể chế quản lý của Nhà nước cũng như hoạt động của các DNNN trong quá trình tái cơ cấu, trong đó phải kể đến các văn bản như: Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DNNN và DN có vốn nhà nước, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 quy định về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước. Có thể nói, việc nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian qua. Theo đó, hoạt động theo Luật DN đã xác định rõ hơn địa vị pháp lý, mở rộng quyền tự chủ, tăng quyền hạn và trách nhiệm của bộ máy quản lý, điều hành. Quyền tự chủ của DNNN đã thay đổi đáng kể so với trước. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ máy quản lý, điều hành đã mở rộng, bao gồm toàn bộ quyền điều hành kinh doanh và hầu hết quyền quản lý kinh doanh, định hướng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm… và một phần quyền của sở hữu Nhà nước.

 

Việc chuyển DNNN sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con và hình thành tập đoàn kinh tế đã tạo ra bước phát triển quan trọng cho nền kinh tế, tạo ra mối liên kết hợp tác kinh doanh giữa các DN thành viên với nhau và với công ty mẹ – công ty con trên quan hệ bình đẳng, vừa chịu trách nhiệm vừa chia sẻ thành quả hoạt động, tạo nên hiệu quả kinh doanh cao hơn. Bên cạnh đó, chủ trương CPH đã góp phần thu hút một lượng vốn tương đối lớn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của DN.

 

Về cơ bản, vốn nhà nước đầu tư vào các DNNN được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại đại đa số tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Quy mô của các DNNN về vốn, lao động, tài sản cố định, cơ sở vật chất kỹ thuật… đều cao hơn khu vực DN ngoài nhà nước. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN được nâng lên; cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh; trở thành một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.      

 

Thực tế, trong những năm qua, DNNN đã có những đóng góp quan trọng đắc lực cho nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, tuy chỉ chiếm chưa đến 1% về số lượng DN nhưng DNNN chiếm 30% vốn kinh doanh trong nền kinh tế và là thành phần kinh tế chủ đạo với vốn đầu tư tăng gấp 5 lần giai đoạn 2001-2011. Năm 2005, DNNN chỉ chiếm 3,6% về số lượng DN, tỷ lệ vốn nắm giữ 54,43%, đến năm 2010 tỷ lệ DN còn 1,2% với vốn nắm giữ 34,13%. Đến năm 2012, DNNN còn 0,93% với tỷ lệ vốn nắm giữ 32,31%. Tính bình quân giai đoạn 2008-2012, DNNN chiếm 36,68% tổng vốn, đóng góp 33,3% cho GDP, tạo việc làm cho 18,61% lực lượng lao động.

 

Những bất cập trong hoạt động.

Thời gian qua, dù được triển khai quyết liệt song tiến độ CPH vẫn chưa đạt như kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015, cả nước dự kiến CPH 538 DN, riêng giai đoạn 2014 – 2015 CPH 432 DN. Về kết quả thực hiện cho thấy, từ năm 2011 đến 2013 CPH 106 DN, năm 2014 đã CPH 143 DN, năm 2015 CPH được trên 240 DN. Như vậy, lũy kế giai đoạn 2011 – 2015 đã CPH được 422/538 DN. Riêng 2 năm 2014 – 2015 CPH được trên 380 DN.

Về tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giai đoạn 2014- 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm trong giai đoạn 2014 – 2015 là 25.218.995 triệu đồng (trong đó: lĩnh vực chứng khoán là 584.514 triệu đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính là 15.018.472 triệu đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 843.294 triệu đồng, lĩnh vực bất động sản là 8.056.131 triệu đồng, quỹ đầu tư là 716.584 triệu đồng). Lũy kế đến tháng 25/12/2015, các đơn vị đã thoái được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với giá trị sổ sách.       

 

Trong đó: Lĩnh vực chứng khoán thoái được 156.416 triệu đồng, thu về 144.573 triệu đồng; Lĩnh vực ngân hàng tài chính là 1.603.013 triệu đồng, thu về 852.247 triệu đồng; Lĩnh vực bảo hiểm thoái được 111.711 triệu đồng, thu về 135.130 triệu đồng; Lĩnh vực bất động sản thoái được 2.930.039 triệu đồng, thu về 3.330.191 triệu đồng; Các quỹ đầu tư thoái được 173.929 triệu đồng, thu về 173.929 triệu đồng… Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp còn rất lớn. Đây đang là bài toán khó trong bối cảnh kinh tế – tài chính toàn cầu đang đối mặt với không ít thách thức, thị trường chứng khoán trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong khi việc thoái vốn vẫn phải đảm bảo được hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát nguồn lực nhà nước.       

 

Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, hiện nay, tổng vốn nhà nước ở trong các DNNN có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản của các DNNN nắm giữ là khoảng 130 tỷ USD. Ngoài hơn 800 DNNN chưa CPH, Chính phủ đang giữ phần vốn chi phối tại nhiều DN đã CPH, nên những DN này chưa thay đổi thực chất về quản trị.       

 

Theo nhận định của VDPF, vấn đề quản trị, giám sát và cơ chế khuyến khích yếu đã khiến cho các DNNN tiếp tục có những quyết định kinh doanh kém, khiến năng suất trung bình của nền kinh tế giảm đi. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tài chính, nhìn lại thời gian qua, không khó để chỉ ra những tồn tại và bất cập trong hoạt động của các DNNN: Tốc độ CPH chậm và lượng vốn nhà nước nắm giữ trong các DNNN còn khá cao; Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách, đặc biệt về vốn; được hưởng sự độc quyền trên một số lĩnh vực, nhưng đóng góp của các DNNN cho nền kinh tế còn hạn chế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành lỗ nặng làm cho hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế hiệu quả thấp. Việc chuyển sang mô hình tổng công ty mẹ-con và tập đoàn kinh tế còn nhiều bất cập về quản trị công ty dẫn đến những rủi ro, tác động xấu đến nền kinh tế.

 

Bên cạnh đó, các DNNN hiện nay vẫn còn chưa chủ động trong việc huy động vốn và quản lý tài sản, chỉ có rất ít các DN có chiến lược huy động vốn một cách cụ thể, luôn rơi vào thế bị động. Hơn nữa, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DN này cũng bị hạn chế, hầu hết các DNNN lại chưa đủ uy tín để huy động vốn bằng phát hành trái phiếu… Tất cả những điều trên khiến DNNN luôn rơi vào thế bị động, không phát huy được quyền tự chủ về tài chính trong kinh doanh.     

 

Đề xuất một số giải pháp

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách và được hưởng sự độc quyền trên một số lĩnh vực nhưng đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong khi đó, sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, những yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, DNNN đứng trước những thách thức đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp nâng cao hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với việc tham gia các Hiệp định thương mại, đang tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi ngày càng lớn đối với khu vực DNNN.   

 

Chẳng hạn, sau khi đàm phán với các nước, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Việt Nam đã thông qua một số quy định của Hiệp định TPP về DNNN. Trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu như: Các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; DNNN không được nắm vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính…; Nhà nước không được trợ cấp quá mức cho các DNNN, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.     

 

Thực tế này đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách DNNN theo yêu cầu loại bỏ độc quyền và những ưu đãi dành riêng cho DNNN, áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN để đảm bảo “tương thích” với cam kết TPP và giúp các DNNN phát triển vững chắc trong giai đoạn tới.

 

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng mới đây cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới “Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại DNNN với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”. Do vậy, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các DNNN trong thời kỳ hội nhập, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:       

 

Một là, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN trong các Nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước.

 

Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu các DNNN. Phân định rõ những ngành, những lĩnh vực Nhà nước cần nắm 100% vốn, những ngành Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Nhà nước chỉ cần nắm, chi phối các tập đoàn, tổng công ty ở những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, với vai trò can thiệp và “điều hướng” theo quỹ đạo của Nhà Nước.

 

Ba là, cần phải thiết lập sở hữu hỗn hợp và một cơ chế chế tài, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN. Bản thân DNNN là một thực thể đa mục đích, do đó, việc giám sát DNNN phải theo hướng đa mục đích, không thể đơn thuần chỉ chú ý đến mục đích tài chính thuần túy. Khi xác định được mục tiêu giám sát, sẽ xác định được các yếu tố còn lại như hình thức, phương pháp và cơ chế giám sát.

 

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính và quản trị đối với DNNN. Nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch, công khai về tài chính; Thực hiện nghiêm túc định kỳ chế độ kiểm toán đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; Hoàn thiện cơ chế quản lý DNNN trên cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước tại DN, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính; Thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán bắt buộc đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.   

 

Năm là, nâng cao sức cạnh tranh của các DNNN, xóa bỏ một số lĩnh vực độc quyền, ưu tiên; các DNNN phải được đối xử bình đẳng như các DN khác trong nền kinh tế; Tách biệt vai trò Nhà Nước với tư cách chủ sở hữu và với tư cách quản lý.   

Sáu là, đổi mới quản trị công ty, đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện chế độ thi tuyển rộng rãi đối với giám đốc DN; Thực hiện chế độ tự chủ, phân cấp về nhân sự, chính sách tiền lương, tạo động lực cho quản lý và người lao động…                                                               

                                                                                                       

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2016