Kể từ ngày 01/07/2024, các khoản nợ xấu được phép giao dịch và phương án thực hiện mua bán nợ xấu theo giá thị trường sẽ có sự thay đổi theo Thông tư 03/2024/TT-NHNN
Ngày 16/5/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (“VAMC”). Theo đó, một số thay đổi cần chú ý như sau:
Thứ nhất, thay đổi định nghĩa về “khoản nợ xấu”. Theo đó, khoản nợ xấu kể từ ngày 01/7/2024 là 1) Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và 2) Nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.”
Thứ hai, việc Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường.
Thứ ba, mở rộng khả năng tiếp tục cấp tín dụng cho các khách hàng vay có khoản nợ xấu. Theo đó, Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Thứ tư, VAMC sẽ công khai niêm yết thông tin các khoản nợ xấu lên website để thuận tiện giao dịch. Theo đó, VAMC sẽ có nghĩa vụ đăng và niêm yết thông tin khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã mua trên Sàn giao dịch nợ và website của Công ty Quản lý tài sản. Việc đăng và niêm yết thông tin phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thứ năm, bổ sung về điều kiện của các khoản nợ xấu mà VAMC được mua với giá thị trường. Theo đó, ngoài các điều kiện trước đây, VAMC còn phải: 1) Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó; 2) Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; 3) Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ và 4) Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Thứ sáu, đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, công ty quản lý tài sản bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu.
Bản tin này chỉ nhằm mục đích thông tin về những quy định pháp luật mới ban hành, không dùng để tư vấn hay áp dụng cho những trường hợp cụ thể.
Bizlawyer hân hạnh được đồng hành cùng Quý Bạn đọc!