Trong những năm đầu của việc thi hành chính sách đổi mới kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn đầu tư cho phát triển xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiểu được điều đó, nhà nước đã ban hành rất nhiều các chính sách ưu đãi để kêu gọi các nguồn vốn từ cả trong nước và nước ngoài. Nổi bật là chính sách về thuế, về đất đai, và các ưu đãi từ địa phương. Cụ thể một số các điều luật đã được ban hành như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, luật đất đai, luật tín dụng.
Các chính sách về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo thời gian mức thuế suất thuế TNDN đã giảm từ 32% xuống còn 28% năm 2009 và xuống đến 22% kể từ năm 2014. Các ưu đãi về thuế TNDN thường được cấp cho các dự án đầu tư trong các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đến nay mức thuế suất ưu đãi đã giảm xuống tới 10% trong 15 năm áp dụng đối với dự án mới thành lập tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc đối với dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm phần mềm… Miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài trong thời hạn dài lên tới 5 năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức chỉ còn 10% trong khi doanh nghiệp trong nước là 22%. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng, miễn thuế tài nguyên và giảm tới 40% phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động hút cát, san nền. Đầu tư trong kĩnh vực công nghệ cao, trong nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật, đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Miễn thuế xuất nhập khẩu được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công và được miễn thuế xuất khẩu cho cùng loại hàng hóa đó khi tái xuất. Các loại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu để phục vụ gia công được miễn thuế xuất khẩu, ngược lại khi tái nhập khẩu các linh kiện cấu thành được miễn thuế nhập khẩu căn cứ vào giá trị xuất khẩu.
Các chính sách về đất đai, Luật Đất đai 2003 ban hành, tiếp tới luật đất đai năm 2013 đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chọn hoặc trả tiền thuê đất một lần hoặc trả tiền thuê đất hằng năm trong thời gian hoạt động, việc tiếp cận và thuê đất cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Cụ thể thể hiện ở một số nội dung như sau: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động:
– Ba (03) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; tại cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.
– Bảy (07) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
– Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
– Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
– Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc miễn tiền thuê đất và mặt nước đối với các dự án cả trong (i) thời gian xây dựng dự án được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt và trong (ii) các lĩnh vực được hưởng khuyến khích đặc biệt và đầu tư tại các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay tiền từ các ngân hàng Việt Nam được hưởng lãi suất ưu đãi tối đa 9%/năm đối với các dự án đầu tư thực hiện trong 5 lĩnh vực cụ thể là nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu, các ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghệ cao.
Như vậy nhà nước đã thực hiện rất nhiều các chính sách mở cửa để thu hút đầu tư. Tạo mọi điều kiện để có được môi trường tốt nhất thu hút các nhà đầu tư vào việt Nam, làm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, tăng doanh thu thuế và tạo một tiền để cho sự phát triển vươn xa hơn vào thị trường quốc tế.