Ngày 29/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực thị hành kể từ ngày 15/01/2019.
Theo đó, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã có những sửa đổi bổ sung đáng chú ý cụ thể như sau:
1. Không phân biệt văn bằng khi tuyển dụng công chức, viên chức
Các cơ quan sử dụng công chức, viên chức được xác định điều kiện tuyển dụng các công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, tuy nhiên không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Qua đó, sẽ không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.
2. Điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức
Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây.
Cụ thể, nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển thì nay, chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2. Tương tự, người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sĩ cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm.
3. Được phép ký 02 lần hợp đồng có thời hạn với viên chức
Khác với Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định khá chi tiết về hợp đồng làm việc của viên chức.
Theo đó, viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc lần đầu từ đủ 12 tháng – 36 tháng. Sau khi hết thời hạn này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc. Nếu ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn thì sau khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị phải xem xét ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, có thể thấy, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã có những điều chỉnh kịp thời và thiết thực, phù hợp với chủ trương công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả của Nhà nước trong hoạt động thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, qua đó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thực sự có chất lượng, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức của đất nước như hiện nay.