Ngày 29/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó Nghị định số 131/2018/NĐ-CP có những nội dung mới đáng chú ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (“Ủy ban”) với tên giao dịch quốc tế là Commission for the Management of State Capital at Enterprises, viết tắt là CMSC. Ủy ban cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ phần vốn góp.
Thứ hai, Ủy ban có các trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp sau khi được Chính phủ chấp thuận;
– Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động dài hạn, 05 năm và hằng năm của Ủy ban và các chương trình theo quy định của pháp luật sau khi được Chính phủ chấp thuận;
– Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật như: Đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp nhà nước; tham mưu trong quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp hoặc chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp; đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp …
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của pháp luật;
– Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được giao quản lý.
– Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp;
– Thực hiện việc báo cáo, giải trình trước cơ quan có thẩm quyền về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp;
Có thể nhận thấy thực trạng rằng trong những năm qua tình trạng sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả, gây thất thoát, thâm hụt ngân sách Nhà nước đồng thời xảy ra nhiều tình trạng tham nhũng, lạm dụng phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp tại nhiều vụ án trọng điểm như Vinashin, Ocean bank, PVN … Chính vì vậy, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước với những nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể là một bước tiến mới trong việc tăng cường hiệu quả quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay.