Ngày 24/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/07/2018.
Theo đó, Thông tư số 52/2018/TT-BTC đã có những sữa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:
1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh:
Trước đây, một số dự án có tính chất đặc biệt (cụ thể gồm: các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội của các huyện nghèo; các dự án đầu tư thuộc ngân sách cấp xã và các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư; các dự án đầu tư thuộc kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu chính phủ) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế quản lý đặc thù theo quy định tại các Thông tư riêng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn từ nguồn Ngân sách Nhà nước đều được quy định thống nhất quản lý chung.
2. Bổ sung quy định đối với các công trình đặc thù, cụ thể là:
Thông tư số 52/2018/TT-BTC quy định các dự án đầu tư công trình bí mật nhà nước do các bộ, ngành và địa phương quản lý, Kho bạc Nhà nước chỉ kiểm soát về tính phù hợp, đầy đủ của chứng từ rút vốn và chuyển tiền theo đề nghị của chủ đầu tư. Các cơ quan và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát nội dung thanh toán và hồ sơ của dự án.
3. Sửa đổi quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công:
Thông tư số 52/2018/TT-BTC quy định bổ sung một số nguyên tắc tạm ứng vốn nhằm tăng cường kiểm soát công tác thu hồi tạm ứng, do nhiều trường hợp nhà thầu không quay lại thực hiện thủ tục thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước do giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành chưa đạt tới 80% giá trị hợp đồng, mặc dù nhà thầu đã được thanh toán gần hết giá trị hợp đồng.
Như vậy có thể thấy, Thông tư số 52/2018/TT-BTC đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, đồng thời góp phần đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tài chính từ Trung ương tới địa phương.