Ngày 01/3/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là “Nghị định 28/2020/NĐ-CP”).
Bài viết này sẽ cập nhật đến bạn đọc một số điểm mới của Nghị định 28/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Về đối tượng áp dụng:
Mở rộng hơn thêm 02 nhóm đối tượng áp dụng, theo đó Điều 2 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định tất cả 5 nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Nghị định này, cụ thể bao gồm:
Người sử dụng lao động, người lao động và các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Người có thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản xử phạt hành chính;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.
Về hình thức xử phạt và Biện pháp khắc phục hậu quả:
Vẫn giữ nguyên 02 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, nhưng tại Điều 3, Điều 4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định cụ thể, chi tiết và bổ sung thêm một số hình thức xử phạt bổ sung và Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm, cụ thể như sau:
Nghị định 28/2020/NĐ-CP đã liệt kê cụ thể 12 hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng, trong đó có 05 hình phạt bổ sung mới, chưa từng có tại 02 Nghị định xử phạt trước đó, cụ thể là:
Tịch thu Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;
Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
Tịch thu Chứng chỉ Kiểm định viên;
Đình chỉ hoạt động quan trắc môi trường lao động từ 03 tháng đến 06 tháng.
Nghị định 28/2020/NĐ-CP liệt kê cụ thể 51 Biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có một số biện pháp khắc phục hậu quả mới mà 02 Nghị định trước chưa có như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập ghề vào hoạt động trái pháp luật; Buộc giao kết hợp đồng lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động……
Đối tượng được xem là tổ chức và chịu mức phạt tiền gấp 02 lần đối với cá nhân.
Trước đó, mặc dù có quy định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt của tổ chức sẽ gấp 02 lần so với cá nhân, tuy nhiên trên thực tế gặp nhiều tranh cãi về việc đối tượng nào là tổ chức. Để khắc phụ bất cập này, Nghị định 28/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể theo hướng liệt kê 10 tổ chức chịu mức phạt tiền gấp 02 lần đối với cá nhân, bao gồm:
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
Đơn vị sự nghiệp;
Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội; tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực.
Văn phòng thường trú, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức thuộc hệ thống liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;
Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thành và truyền hình nước ngoài;
Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;
Tổ chức phi chính phủ;
Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.
Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa – xã hội.
Tóm lại, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ra đời và đưa ra rất nhiều quy định mới, cụ thể hơn, rõ ràng hơn so với các Nghị định về xử phạt trước đó, điều đó cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và quản lý hành chính nói riêng đã ngày cành trở nên hoàn chỉnh và đồng bộ, góp phần không nhỏ đến việc điều chỉnh các hoạt động của con người và toàn xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Nghị định 28/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực ngày 15/4/2020.