Ngày 22/11/2019, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo đó, quy định tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng/tháng. Trước đó, trong dự thảo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất hạn mức giao dịch ví điện tử đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; của tổ chức là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng hạn mức này sẽ kìm hãm thanh toán điện tử.
Quy định trên không áp dụng đối với Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử.
Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung quy định xác thực thông tin khách hàng mở Ví điện tử như sau:
Chủ Ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở Ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở Ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 9 Thông tư 39/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2019).
Thông tư 23/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 07/01/2020 và bãi bỏ khoản 3 Điều 25 Thông tư 37/2016/TT-NHNN; sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 04/2016/TT-NHNN. Việc quy định hạn mức gia dịch đối với ví điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng để rửa tiền, thực hiện hành vi bất hợp pháp.