Ngày 15/05/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại Tòa án. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Một trong các điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP là quy định về việc ủy quyền và ủy quyền lại của cá nhân, pháp nhân trong việc khởi kiện, tham gia tố tụng trong các vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Cụ thể:
1. Cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
2. Pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
3. Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.
Khi giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập trước ngày 01/01/2017 giữa tổ chức, cá nhân chưa hoặc đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án không phát sinh tranh chấp về hợp đồng ủy quyền đó thì Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng ủy quyền mà không yêu cầu các bên phải xác lập lại.
Bằng những quy định chi tiết và cụ thể, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP đã hỗ trợ giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, từ đó tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thể rút ngắn thời gian tố tụng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được hiệu quả.