Ngày 08/01/2020 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại.
Theo đó kể từ ngày 24/02/2020, thời điểm Nghị định có hiệu lực, việc lập và sử dụng vi bằng do Thừa phát lại thực hiện sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới tại Nghị định 08/2020 nêu trên. Cụ thể:
Thừa phát lại sẽ không được phép lập vi bằng nhằm xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính hoặc ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, Nghị định cũng lần đầu tiên ghi nhận cụ thể giá trị pháp lý của Vi bằng. Theo quy định tại Điều 36 của Nghị định, vi bằng có giá trị ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật nhưng không thể thay thế cho các văn bản công chứng, chứng thực hoặc các văn bản hành chính khác. Vi bằng là một nguồn chứng cứ để xem xét trong quá trình giải quyết các tranh chấp về dân sự, hành chính.
Như vậy với việc Nghị định 08/2020 được ban hành, Chính phủ đã có động thái chấn chỉnh lại hoạt động của các Tổ chức Thừa phát lại, hạn chế các biến tướng của hoạt động lập vi bằng đối với các giao dịch tài sản, bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng. Đồng thời giúp người dân có được một nhận thức đầy đủ, đúng đắn về giá trị pháp lý của việc lập vi bằng.