Ngày 20/06/2017 Quốc hộ đã ban hành Luật số 10/2017/QH14 quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Luật số 10/2017/QH14 đã quy định về thiệt hại được bồi thường thuộc Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể như sau:
Về phương thức quy định các thiệt hại được bồi thường, Luật này quy định về các thiệt hại được bồi thường theo hướng quy định chi tiết, cụ thể các loại thiệt hại cũng như cách thức xác định, căn cứ xác định từng loại thiệt hại được bồi thường mà không quy định theo hướng mang tính khái quát, hay mang tính nguyên tắc chung. Phương thức quy định này là phù hợp với định hướng rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường mà số 10/2017/QH14 quy định vì để có thể rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường, thì các loại thiệt hại cần phải được quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh thiệt hại cũng như thương lượng việc bồi thường trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.
Trong từng nhóm thiệt hại được bồi thường Luật số 10/2017/QH14 quy định thêm nhiều loại thiệt hại cụ thể được bồi thường. Việc bổ sung thêm các loại thiệt hại được bồi thường là bởi, trên thực tiễn đã phát sinh nhiều loại thiệt hại mà thực tế người bị thiệt hại đã phải gánh chịu nhưng không được bồi thường do Luật TNBTCNN 2009 chưa có quy định.
Bên cạnh đó, Luật này cũng quy định tăng mức thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong một số trường hợp như: bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố, xét xử mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam. Việc tăng mức bồi thường cho các thiệt hại nêu trên cho phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, cũng như bảo đảm hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Có thể thấy, Luật số 10/2017/QH14 đã có những quy định mới tiến bộ, rõ ràng và chi tiết hơn so với các quy định trước đây về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao sự minh bạch, công bằng cũng như phát huy tốt trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong các hoạt động quản lý kinh tế – xã hội.