Ngày 30/06/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2018/NĐ-CP quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP quy định một số nội dung cụ thể như sau:
1. Chỉ tiêu an toàn nợ công được xây dựng trên cơ sở định hướng về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm; tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công giai đoạn 05 năm trước; tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tiết kiệm nội bộ của nền kinh tế; cân đối thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước. Khi chỉ tiêu an toàn nợ công đạt ngưỡng cảnh báo về an toàn nợ công, Bộ Tài chính trình Chính phủ hoặc báo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các biện pháp để bảo đảm chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt trần nợ công.
2. Rủi ro đối với nợ công bao gồm rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ do biến động trên thị trường tài chính; rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; rủi ro do biến động thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn dẫn đến phải đảo nợ với chi phí cao hoặc mất khả năng đảo nợ; rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; các loại rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến an toàn nợ công.
Việc đánh giá rủi ro được thực hiện định kỳ gắn với kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm. Trên cơ sở đánh giá rủi ro, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ công; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ của chính quyền địa phương.
Căn cứ vào đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ hoặc với danh mục nợ, Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phương án cơ cấu lại nợ của chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện.
Thông qua những quy định chi tiết và cụ thể về nghiệp vụ quản lý nợ công, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng chuyên môn, cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền.