Ngày 30/07/2018, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2018.
Theo đó, Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, thiết kế, thi công, xây dựng các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn với tổng số 194 loại. Cụ thể:
– Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước khi thông quan (đối với hàng hóa nhập khẩu) và trước khi đưa ra thị trường (đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp) gồm có 31 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:
+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ: Ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (15 loại); xe mô tô (01 loại), xe máy chuyên dùng (11 loại);
+ Lĩnh vực đường sắt: 04 loại.
Đối với 31 sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục này nếu nhập khẩu phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi thông quan. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận, công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.
– Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy gồm có 163 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:
+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ, phụ tùng, bao gồm: ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (20 loại); xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy (04 loại); xe bốn bánh có gắng động cơ (01 loại); xe máy chuyên dùng (26 loại); phụ tùng (18 loại);
+ Lĩnh vực phương tiện, thiết bị thăm dò khai thác dầu khí biển (04 loại), trong đó có giàn cố định trên biển, khó chửa nổi, giàn di động, hệ thống đường ống biển, phao neo dầu khí;
+ Lĩnh vực biển (04 loại), trong đó có tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan…, tàu kéo, tàu đẩy, tàu đèn hiệu, tàu cứu hộ…tàu thuyền khác…;
+ Lĩnh vực phương tiện thủy nội địa (04 loại) như: tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan, tàu kéo, tàu đẩy…;
+ Lĩnh vực hạ tầng thủy nội địa (01 loại) gồm cầu kiện nổi khác ( bè mảng, thùng chứa chất lỏng, cầu lên bở, các loại phao nổi và mốc hiệu…);
+ Lĩnh vực đường sắt (08 loại), trong đó có phương tiện chuyên dùng, toa xe hành lý, toa xe bưu vụ, toa xe hàng ăn…;
+ Lĩnh vực sản phẩm công nghiệp dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển (73 loại), đơn cử như: kính cho tàu thủy và thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí biển, tổ hợp máy phát dưới 50 kVA, máy phát dưới 50 kVA, biến áp dưới 50 kVA, nhựa, cao su…
Đối với 163 sản phẩm, hàng hóa nêu trên, nếu nhập khẩu phải có chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường. Đối với sản phẩm trong nước phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.
Việc áp mã số HS được xác định từ thời điểm ngày 15/09/2018. Đối với hàng hóa nhập khẩu là ngày mở tờ khai Hải quan hoặc ngày cập cảng, ngày về đến cửa khẩu Việt Nam. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước là ngày xuất xưởng.
Như vậy, có thể thấy, Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT được ban hành sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.