Ngày 18/01/2018, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua Quyết định số 72/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Quy chế này quy định về loại hình chứng quyền có bảo đảm (sau đây gọi tắt là chứng quyền), điều kiện để cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của chứng quyền, hạn mức chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán và hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền; áp dụng đối với tổ chức phát hành chứng quyền (sau đây gọi tắt là tổ chức phát hành) và các tổ chức, cá nhân có liên quan với một số điểm nổi bật như sau:
1. Chứng quyền có bảo đảm là chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền (sau đây gọi tắt là chứng quyền).
2. Điều kiện để cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của chứng quyền
Chứng khoán cơ sở của chứng quyền là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí sau:
Thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 hoặc chỉ số tương đương thay thế (trong trường hợp tổ chức lại các Sở Giao dịch Chứng khoán);
Giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 5.000 tỷ đồng trở lên;
Tổng khối lượng giao dịch trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét tối thiểu đạt 25% số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân trong 06 tháng gần nhất, trong đó: số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân trong 06 tháng gần nhất = (số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thời điểm đầu 06 tháng + số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thời điểm cuối 06 tháng)/2; hoặc giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 06 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 50 tỷ đồng/ngày trở lên;
Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại ngày chốt dữ liệu xem xét từ 20% trở lên;
Có thời gian niêm yết từ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm xem xét. Trường hợp cổ phiếu chuyển sàn niêm yết thì thời gian niêm yết được tính là tổng thời gian niêm yết ở cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán;
Kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính gần thời điểm xem xét nhất, bao gồm báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;
Không đang trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Ngày chốt dữ liệu xem xét là ngày giao dịch cuối cùng của các tháng 3, 6, 9 và 12 trong năm.
3. Hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 107/2016/TT-BTC, trong đó:
Các quy trình nghiệp vụ (bao gồm quy trình về đăng ký chào bán, đăng ký lưu ký, niêm yết, tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro, thực hiện chứng quyền) và quy trình kiểm soát nội bộ do tổ chức phát hành tự xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và đặc điểm hoạt động của công ty.
Quy trình quản trị rủi ro theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quy chế này.
Phương án bảo đảm thanh toán cho người sở hữu chứng quyền và phương án phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quy chế này.
Bản cáo bạch chào bán chứng quyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 107/2016/TT-BTC Tổ chức phát hành tham khảo mẫu Bản cáo bạch chào bán chứng quyền quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Quy chế này.
4. Phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền
Khi tham gia phát hành chứng quyền, công ty chứng khoán phải phòng ngừa rủi ro bằng cách giữ cổ phiếu cơ sở theo đúng tỷ lệ và các bên đã chưa tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ này vì cơ quan quản lý luôn muốn sản phẩm mới vận hành an toàn với rủi ro thấp trong khi công ty chứng khoán lại muốn linh hoạt hơn. Trong đó, hoạt động phòng ngừa rủi ro bao gồm các giao dịch mua, bán, vay và các giao dịch khác phù hợp với quy định pháp luật.
Trên cơ sở Quy chế này, tổ chức phát hành chào bán chứng quyền và thực hiện phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền để đảm bảo khả năng thanh toán cho người sở hữu chứng quyền, hạn chế một cách hiệu quả những tổn thất do rủi ro gây ra.
Chứng quyền có bảo đảm tại Quy chế này được đánh giá vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ quản lý rủi ro với chi phí hiệu quả. Sản phẩm này có cách thức giao dịch giống như cổ phiếu và không bị hạn chế bởi tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nên hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.