Ngày 25/11/2019, Quốc hội Khóa 14 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.
Một trong những nội dung cơ thay đổi nổi bật nhất của Luật sửa đổi, bổ sung lần này có thể kể đến quy định về việc chuyển đổi mục đích thị thực. Trước đây Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định thị thực của người nước ngoài tại Việt Nam có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích.
Nay theo Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2019, người nước ngoài tại Việt Nam được chuyển đổi mục đích thị thực trong các trường hợp sau:
– Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
– Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh.
– Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
– Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Đặc biệt, trước đây, chỉ có trường hợp cấp chung thị thực cho trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha mẹ thì nay Luật còn bổ sung thêm trường hợp cấp thị thực chung, đó là:
Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.